1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sắp miễn giảm phí quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và nhà đầu tư vừa đề xuất miễn phí, giảm giá vé các trạm thu trên quốc lộ 5 (QL5) và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Việc miễn, giảm phí áp dụng từ ngày 1/11 và mức giảm cao nhất là 25%.

Sau khi đàm phán với nhà đầu tư BOT là Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vidifi), Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vidifi thống nhất đề xuất Bộ GTVT chấp thuận giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho phương tiện trên hai tuyến đường QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Phương án giảm giá áp dụng chung cho tất cả các phương tiện và giảm giá cho chủ phương tiện trong địa phương vùng lân cận trạm thu. Thời điểm dự kiến giảm giá bắt đầu từ ngày 1/11/2017, mức giảm được đề xuất từ 12% - 25%.

Theo đó, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt vận tải khách công cộng giảm từ 40.000 đồng xuống còn 30.000 đồng. Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giảm từ 55.000 đồng xuống còn 45.000 đồng.

Trạm thu phí trên quốc lộ 5 xảy ra tình trạng tài xế trả tiền lẻ và gây ùn tắc giao thông hồi đầu tháng 9
Trạm thu phí trên quốc lộ 5 xảy ra tình trạng tài xế trả tiền lẻ và gây ùn tắc giao thông hồi đầu tháng 9

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giảm từ 75.000 xuống còn 65.000 đồng. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit giảm từ 125.000 đồng xuống còn 110.000 đồng.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit giảm từ 180.000 đồng xuống còn 170.000 đồng.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau 3 năm kể từ khi áp dụng mức giá trên căn cứ thực tiễn, sẽ xem xét để điều chỉnh phù hợp đảm bảo phương án tài chính của dự án.

Đối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm giá chung cho các loại phương tiện trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 0% - 20% áp dụng trong 2 năm để thu hút phương tiện, tăng lưu lượng trên tuyến.

Mức giá được đề xuất là 1.500 đồng/1 km quy xe tiêu chuẩn đối với các loại xe 2, 3, 4, 5, xe loại 1 giữ nguyên 2.000đ/km. Sau 2 năm sẽ xem xét điều chỉnh lại mức giá theo phương án tài chính cập nhật 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị giảm 100% giá vé đối với phương tiện xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn của người dân (không kinh doanh) khu vực lân cận trạm thu trên QL5 bán kính tối đa 5 km (ưu tiên tính hết địa bàn ảnh hưởng), các loại xe buýt vận tải khách công cộng.

Giảm 50% giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ đối với cơ quan, tổ chức có trụ sở chính trên địa bàn khu vực lân cận có bán kính tối đa cách trạm thu giá 5 km (ưu tiên tính hết địa bàn ảnh hưởng).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giao các cơ quan chuyên môn của Bộ điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh Hợp đồng Dự án xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho phù hợp.

Từ năm 2003, các phương tiện đi trên QL5 vẫn phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Năm 2007, Chính phủ áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó đồng ý cho Vidifi được quản lý, thu phí trên QL5 từ khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Hiện nay, mức phí trên QL5 tăng gấp nhiều lần thời điểm trước năm 2007 và dao động từ 40.000 - 180.000 đồng/lượt (tùy loại xe). Trong khi đó, mức phí đi toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Hải Phòng là 210.000 đồng/lượt.

Hồi tháng 9 vừa qua, các tài xế lái xe tải, xe bồn đã tập trung tại trạm thu phí số 1 QL5 đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm và đỗ xe tại trạm để phản đối mức phí trên QL5, gây ùn tắc kéo dài.

Châu Như Quỳnh