1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sắp khai tòa vụ rút ruột tượng đài Điện Biên Phủ

(Dân trí) - TAND tỉnh Điện Biên cho biết, 8 bị cáo trong vụ rút lõi, xà xẻo tiền đúc tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được đưa ra xét xử từ 29/3. Sau 2,5 năm điều tra, vụ án tượng đài hụt 100 tấn đồng, thất thoát 2,7 tỷ đồng đã được CQĐT làm rõ.

Sắp khai tòa vụ rút ruột tượng đài Điện Biên Phủ - 1
Công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên đã phải đại tu ngay sau khi hoàn thành không lâu.
 
8 bị cáo được đưa ra xem xét tội trạng theo các nhóm tội: tham ô tài sản, đưa - nhận hối lộ, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
 
Vị “quan” giữ ghế cao nhất phải đối mặt với vành móng ngựa là nguyên Phó GĐ Sở VH-TT tỉnh Điện Biên, đảm nhiệm vị trí GĐ BQL dự án Điện Biên Phủ Lương Phượng Các. Ông Các cùng 2 cán bộ dưới quyền là nguyên Phó GĐ Lê Văn Viễn và nguyên kế toán trưởng BQL dự án Trần Quốc Hưng bị truy tố về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ và cố ý làm trái. Cán bộ kỹ thuật Nguyễn Văn Chính nhẹ nhàng hơn, chỉ “dính” tội cố ý làm trái.
 
Nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương Võ Thị Hồng tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa hối lộ. PGS - TS. Lê Huyên (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), PGS-TS. Nguyễn Đức Sứng (nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) tội tham ô tài sản.
 
Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết (đơn vị đúc tượng) Nguyễn Trọng Hạnh tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
 
Cáo trạng của VKSND tối cao xác định, công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn I được giao cho Công ty Mỹ thuật Trung ương đảm nhận. Vì không đủ năng lực thực hiện, đơn vị đã “bán cái” phần việc thi công đúc tượng đài (gói thầu số 3) cho Công ty TNHH Đoàn Kết, tỉnh Nam Định.
 
Theo bản hợp đồng trị giá 40 tỷ đồng đã ký giữa Giám đốc BQLDA Lương Phượng Các và Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương Võ Thị Hồng, tượng đài được đúc bằng đồng, dày 3cm, cao 12,6m. Nguyên liệu đúc tượng đài là đồng nguyên chất, có tổng khối lượng đồng là 218.700 kg.
 
Công ty Đoàn Kết của Nguyễn Trọng Hạnh nhận lại việc đúc tượng với giá chưa bằng một nửa: 18,5 tỷ đồng.
 
Cả phần tượng và bệ tượng đài trong quá trình thi công đã bị bớt xén vật tư, không đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật.
 
CQĐT kết luận, tượng đài đã bị “rút ruột”, thay vì đồng nguyên chất như phê duyệt dự án, 30% đồng phế liệu, kém phẩm chất đã được dùng để đúc tượng. Giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy, lượng đồng bị thiếu hụt so với dự toán gần 100 tấn, trị giá gần 2,7 tỷ đồng. Vì vậy, công trình không lâu sau khi khánh thành đã xuống cấp nghiêm trọng, lún nứt, gỉ sét.
 
Để hợp thức hoá chứng từ sau thi công, GĐ BQL dự án Lương Phượng Các nhờ 2 vị Phó Giáo sư trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Lê Huyên và Nguyễn Đức Sứng ký khống hợp đồng tư vấn giám sát và nghiệm thu chi tiết phần mỹ thuật công trình, với tổng giá trị gần 250 triệu đồng. Số tiền sau đó được xác định chia cho ông Huyên 65 triệu đồng, ông Sứng gần 90 triệu đồng, ông Các 18 triệu đồng…
 
Ngồi ở ghế Giám đốc BQLDA, ông Các cũng “vòi” tiền để quan hệ, cảm ơn các cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên. Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương, bà Võ Thị Hồng đã dùng tiền cá nhân đi vay để “đưa hối lộ” cho ông Các 500 triệu đồng.
 
Trách nhiệm để xảy ra vụ việc cũng được quy cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Hoàng Be. Ông Be bị kết “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì đã không lãnh đạo việc tổ chức kiểm tra để phát hiện, xử lý các sai phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
 
Tuy nhiên, VKSND tối cao sau đó đã nhận định ông Phó Chủ tịch tỉnh phạm tội với lỗi vô ý, nguyên nhân có một phần vì “động cơ thành tích”, cân đối công - tội đã miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can.
 
Mọi tội trạng, chứng lý sẽ được xem xét, đánh giá công khai tại phiên tòa. Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài từ 29/3 tới 4/4/2010.
 
P. Thảo