1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Sắp đến lúc xả rác càng nhiều, nộp tiền càng cao

Thế Kha

(Dân trí) - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tham khảo kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt - tiền đề thu phí xả rác theo khối lượng.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường vừa báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là tiền đề để các địa phương áp dụng, ban hành quy định thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) là việc thu phí rác thải sinh hoạt sẽ dựa trên khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ, tức là xả rác càng nhiều thì phải trả càng nhiều tiền, thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

Cơ chế thu phí mới này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.

Sắp đến lúc xả rác càng nhiều, nộp tiền càng cao - 1

Rác thải sinh hoạt tập kết trên một tuyến đường thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Để xây dựng hướng dẫn, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã huy động nhiều chuyên gia, đơn vị quản lý có liên quan và tham khảo kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Canada, Mỹ, cũng như một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Ninh…

Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được kết cấu gồm 4 phần chính: Mục đích, phạm vi, đối tượng sử dụng; căn cứ để phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn chi tiết phân loại chất thải rắn sinh hoạt và tổ chức thực hiện.

Hướng dẫn kỹ thuật này sẽ là tài liệu tham khảo để UBND các thành phố, địa phương quyết định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, nguồn lực tài chính hiện có để tính toán đến nhu cầu thị trường tái chế; cân đối lợi ích chi phí giữa việc tái sử dụng, tái chế chất thải với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Từ đó quyết định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp.

Dự thảo đưa ra 3 nhóm chất thải chính gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Mỗi nhóm chất thải có liệt kê các loại chất thải thường thấy phát sinh tại hộ gia đình, hình ảnh minh họa và kỹ thuật khi phân loại.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục lấy ý kiến địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo hướng dẫn. Trong đó phải làm rõ mục đích phân loại, nguyên tắc phân loại và kỹ thuật chi tiết trong phân loại để các tỉnh, thành căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý.

Luật quy định, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm