1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Săn "Viagra" của biển

Với chiều dài hơn 50 km bờ biển, vùng biển Tuy Phong- Bình Thuận có nhiều bãi rạng ven bờ cho ngư dân nhiều sản vật, trong đó đồn đột (cùng họ với hải sâm) được ví như thần dược tình yêu, viagra của biển.

Trẻ em vùng biển Phước Thể vừa cạy hàu vừa đào bắt đồn đột

Trẻ em vùng biển Phước Thể vừa cạy hàu vừa đào bắt đồn đột.

Đồn đột mà khôn

Tôi than thầm vì gần cả giờ lội dọc theo bãi rạng vùng biển Phước Thể - huyện Tuy Phong mà vẫn chưa bắt được con đồn đột nào. Ông Lê Phi (55 tuổi), ở xã Phước Thể cười, bảo: "Tên đồn đột nhưng nó "khôn" lắm đấy, dân "tay ngang" thì mỏi mắt cũng không bắt được nó đâu".

Sải bước chân trên vùng cát sỏi nhấp nhô, tay nắm chặt cán chiếc bay thợ hồ, mỗi khi phát hiện mục tiêu là ông xốc tới, bằng một động tác thành thục, chính xác và đầy uy lực, mũi bay đã cắm sâu vào rạng sỏi nảy bật lên những con đồn đột trắng tựa bông.

Từ lời đồn đại đồn đột có công dụng chẳng kém gì thuốc Viagra, làm nhiều "đại gia" bung tiền không đắn đo để đổi lấy quyền sở hữu cho bằng được loại “thần dược tình yêu” của biển. Ông Phi cho biết nhiều người đặt mua để tặng cho mối lái làm ăn ở Sài Gòn đến vài trăm ngàn đồng một cân nhưng không đủ đồn đột cung cấp.

Ông Phi bảo tên gọi dân gian đồn đột thì mỗi vùng mỗi khác: đĩa, cạp đất, đồn đột. Là loài thân mềm nhưng hiếm khi chúng trồi lên mặt đất hoặc bơi lội tung tăng như loài cá mà chỉ chui sâu, ẩn mình vào các lớp đất cát ở các rạng biển, chừa lại cái miệng bé xíu để ăn sinh vật phù du.

Do vậy, nếu phải đào sâu xuống rạng đá thì cũng khó tìm bắt được, mà chỉ phát hiện ra chúng chính xác nhất khi những tia nước màu trắng nhỏ nhoi phun lên trên mặt đất từ cái miệng bé xíu của đồn đột thì mới "tóm" được.

Mặc dù cùng họ hàng với hải sâm mà ngư dân vất vả lặn bắt ngoài biển khơi, loài đồn đột này sống ở vùng bãi rạng ven bờ, kích cỡ và hình dạng nhỏ hơn rất nhiều.

Có con thân trắng nhỏ dài như ngón tay út, con thân sần sùi đen thui bằng ngón chân cái, da thay đổi màu sắc tùy theo môi trường sống như tắc kè vậy.

Ở các bãi rạng vùng biển xã Phước Thể, Liên Hương, Vĩnh Tân có khá nhiều đồn đột, người dân thường xuống biển bắt ốc, chen chép, cua...chứ ít ai để ý đến chúng.

Có người coi đồn đột như một loại động vật gớm ghiếc, gọi là đỉa biển, tránh giẫm phải. Lũ trẻ nghịch ngợm thường lấy que nhọn chọc cho chúng lòi ruột ra, giết chết. Thế nhưng đó là chuyện của ngày trước, chứ giờ đây số lượng đồn đột giảm đáng kể, tìm bắt nó coi như là “vô mánh”.

Viagra của biển

Đưa tôi về ngôi nhà nhỏ nằm cuối xóm nghèo, hướng mặt ra biển, ông Phi đổ đồn đột ra chiếc thau rồi bắt từng con xẻ thịt. Thật lạ, cầm đồn đột trên tay vuốt vuốt mấy cái, từ thân đang căng cứng, nó phun ra một luồng nước trắng đục, rồi mềm èo, thun lại tí teo.

Một lão ngư bắt đồn đột (ảnh nhỏ: hải sâm)

Một lão ngư bắt đồn đột (ảnh nhỏ: hải sâm).

Ông Phi cho biết ăn đồn đột rất công phu, biết cách chế biến thì...ai cũng mê, còn không biết thì tốn công phí của.

Dù sống ở biển, nhưng tôi dám chắc chú em chưa thưởng thức đặc sản này bao giờ. Trước đây còn đi biển, mỗi khi người thấy mệt mỏi là tui lượm vài con đem về nấu cháo. Ăn xong lập tức lại sức ngay .

Ông Lê Phi

Trước hết là cạo sạch lớp đất cát bám ngoài da, mổ bụng rửa sạch ruột bên trong, chà xát lại bằng muối cho hết chất nhờn, để ráo nước, rồi sau đó chế biến thành nhiều món: tái, gỏi, chưng cách thủy, chiên giòn, nấu cháo...

Gió biển trong lành thổi từng cơn mát rượi, nồi cháo trắng trên bếp than hồng sôi sùng sục, ông Phi đổ nhanh tô đồn đột vào nồi, lấy đũa đảo vòng đều, canh đúng 5 phút rồi nhắc xuống múc ra tô, rắc tiêu, hành, tỏi, ớt... Tuy nhan sắc vô cùng thảm hại, nhưng khi lên xoong lên chén, đồn đột trở nên hấp dẫn lạ thường.

Chờ tôi vừa thổi vừa húp xì soạt xong chén cháo bốc khói thơm nghi ngút, ông Phi hỏi: “Thấy thế nào, có ngon không?”. Và chẳng cần nghe câu trả lời, ông hồ hởi: “Dù sống ở biển, nhưng tôi dám chắc chú em chưa thưởng thức đặc sản này bao giờ. Trước đây còn đi biển, mỗi khi người thấy mệt mỏi là tui lượm vài con đem về nấu cháo. Ăn xong lập tức lại sức ngay”.

Ông Phi bảo rằng người ta nói nhiều đến tác dụng mà hải sâm ngoài biển sâu mang lại cho "bản lĩnh đàn ông", chứ ít ai biết rằng loài đồn đột này cũng "dữ dằn" không kém.

Các lão ngư trước kia mấy khi đụng đến thuốc men mà ai nấy sức vóc cũng dẻo dai, mạnh mẽ như con cá kình giữa biển khơi. Dong thuyền ra biển thì kéo lưới, lặn sâu không biết mệt, về đến nhà thì vợ cứ... đẻ liền tù tì.

"Ai thấy “yếu” trong người ban đêm chỉ cần một tô cháo đồn đột thì sáng ra chắc chắn “vợ vừa quét sân vừa hát” - ông Phi khẳng định như đinh đóng cột.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học có xu hướng quay về nghiên cứu động thực vật trên cơ sở khai thác kinh nghiệm y học cổ truyền nhằm tạo ra các chế phẩm tăng lực giàu hoạt chất sinh học nguồn gốc tự nhiên.

Các chế phẩm này được gọi là các “thực phẩm chức năng” hay “thực phẩm - thuốc”, vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có giá trị dược liệu quý như nhung hươu, rắn, rùa, yến, hải long, hải mã... Trong đó không thể không kể đến đồn đột, một loài động vật biển đã được dân gian sử dụng hàng trăm năm nay với tác dụng bổ dưỡng, hồi phục sức khỏe và tăng cường sinh lực.

Mặc dù đồn đột rất được ưa chuộng nhưng chưa đủ số lượng để thương lái đặt hàng thu mua cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu mà hiện nay chủ yếu là phục vụ cho các dân nhậu làng chài.

Tuy nhiên, từ lời đồn đại đồn đột có công dụng chẳng kém gì thuốc Viagra, làm nhiều "đại gia" bung tiền không đắn đo để đổi lấy quyền sở hữu cho bằng được loại “thần dược tình yêu” của biển.

Ông Phi cho biết nhiều người đặt mua để tặng cho mối lái làm ăn ở Sài Gòn đến vài trăm ngàn đồng một kilôgam nhưng không đủ đồn đột cung cấp.

Từ xưa đến nay đồn đột xem là sinh vật quý hiếm, có lợi ích kinh tế mà biển cả ban cho con người bởi tính bổ dưỡng ngang ngửa với sâm. Tuy nhiên, sự mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm trầm tích ở các vùng ven biển đã và đang đẩy loài đồn đột vào nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Minh Chiến
Tiền Phong 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm