1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Săn” hàng hiệu, giá cực “bèo”

Hiện, dân chơi "sành điệu" lại đang có một cái thú mới là “săn” hàng hiệu ngoại “Made in Viet Nam” giá cực “bèo”.

Vào buổi chiều mát trời, cô bạn dắt tôi tới chợ phố Saigon Square. Mới qua vài sạp đầu tiên, chúng tôi đã nhận ra ngay những kiểu quần áo khá quen thuộc. Nhưng rõ ràng các mặt hàng ở đây đã được chăm chút kỹ lưỡng, thậm chí được đóng bao ni lông cẩn thận, sáng sủa. Thấy tôi săm soi mãi cái áo với bộ mặt có vẻ “lơ ngơ”, cô chủ “bốc” ngay: “Đây là hàng Hồng Kông, chỉ có một cái độc nhất”. Nhưng cũng cái áo giống như vậy, ở một sạp khác thì bà chủ lại giải thích là “hàng hiệu nước ngoài được gia công sản xuất tại Việt Nam". Cô bạn bảo, hồi mới bắt đầu mua sắm ở đây cô cũng đã trả giá khá đắt cho những "bài học vỡ lòng” này.

 

Tuy vậy, nhiều chủ hàng vẫn tự tin khi giới thiệu với khách rằng thực chất các “sản phẩm" của mình là hàng thanh lý. Minh, nhân viên bưu điện gần đó, cho biết dân sành chơi hàng ở Saigon Square ai cũng biết đây là hàng thanh lý của các công ty may xuất khẩu trong nước. Hầu hết là hàng xuất khẩu hoặc may gia công cho một số nhãn hiệu thời trang các nước nên mẫu mã nhiều khi rất “độc”, có một "gu” riêng biệt mà chất liệu lại thường rất đẹp và tốt. Biết chơi nên chẳng ai ngại ngần gì khi giới thiệu thực chất “gốc gác” của nó.

 

Là giám đốc bộ phận của một công ty nước ngoài khá tên tuổi nhưng Chim Chích - biệt danh do một cô chuyên bán hàng "quá khổ" cho nhiều người nước ngoài "tặng" cho - vẫn xem Saigon Square là nơi lựa chọn quần áo lý tưởng nhất, bởi giá khá rẻ mà lại ít "đụng" hàng. Sành gu hàng ở đây đến nỗi đến bất kỳ quán xá sang trọng nào, Chim Chích thấy các bà, các cô diện đồ của chợ thời trang Saigon Square là nói vanh vách cho nhóm bạn cô... tham khảo.

 

Cũng từ vài năm nay, Saigon Square cũng trở thành một địa điểm "săn hàng" rẻ đối với nhiều khách nước ngoài. Bà chủ một sạp hàng tên Mai nói: "Dân Tây đến đây thường mua áo thun, sơmi, song mua nhiều nhất là hàng cho trẻ con, bởi giá cực rẻ và có nhiều nhãn hiệu quen thuộc với họ như Baby Crew, Cireo, Limited Too, Partner... được gia công sản xuất tại Việt Nam". Một bà chủ sạp khác thì chuyên sưu tầm những lô hàng “quá khổ” để bán cho "Tây". Đây là những loại hàng chuyên xuất khẩu đi "Tây", size dành cho dân Tây nên “quá khổ với dân Việt Nam, vì vậy bỗng dưng trở thành hàng hiếm với dân "Tây" chuyên đi chợ này.

 

Không chỉ vậy, nhiều chủ shop còn tìm được những mối lái nhỏ chuyên săn hàng đẹp đem về châu Âu và Mỹ để bán lẻ. Do cạnh tranh để giữ khách và thường lại chỉ có một nguồn hàng giống nhau, nên các chủ sạp ở đây rất chịu khó “săn” hàng. Gặp được mẫu ưng ý, chỉ cần thỏa thuận được giá cả là họ "OK" ngay. May mắn nhất là khi ôm được trọn gói một lô hàng khi đó, hàng của shop họ trở thành hàng “độc”, không đụng với các shop khác, khó lo bị cạnh tranh. Giá những cái áo “sạp nào cũng có” thường chỉ 30.000 - 35.000 đồng, nhưng nếu đã là hàng "độc quyền" thì tăng vèo lên 60.000 - 70.000 đồng thậm chí cả trăm ngàn đồng. Những lúc đó, dù là khách quen mấy đi nữa, bà chủ sạp vẫn... điềm tĩnh để khách hàng ra đi vì biết chắc họ đi đã một vòng, dù có "đau bụng” cách mấy cũng phải ôm hầu bao quay trở lại.

 

Siêng năng hơn mấy cô bạn trên, N.A lại chịu khó đi lùng hàng từ bến gốc. Nằm trong “chăn" một thời gian, N.A mới phát hiện những mối hàng gốc của mấy bà chủ hàng thân thiết ngoài Saigon Square hầu hết nằm ở trước... cổng một số xí nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu. Theo đó, dân chịu khó lùng hàng tận gốc thường quen thuộc với những địa chỉ trước Công ty May thêu xuất khẩu Tân Bình ở đường Trương Công Định, Xí nghiệp May 1 của Công ty Nam Tiền trên đường Phạm Phú Thứ (Tân Bình) hoặc cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần May... xuất khẩu 30-4 trên đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận).

 

Ở Tân Bình, khách hàng cũng quen vài sạp cửa hàng chuyên bán hàng thanh lý khu vực gần chợ Tân Bình hoặc một cửa hàng khác trên đường Trường Chinh, góc Hoàng Hoa Thám... Nguồn hàng ở những cửa hàng này thường là các lô hàng để xuất khẩu nhưng bị một vài lỗi nhỏ nào đó hoặc có khi do bị tồn, ứ, không đủ size, được các xí nghiệp “cắt mạc” (có khi không, thanh lý với giá khá rẻ... Thế nhưng, theo một số người sành điệu thì nhiều lúc hàng cũng mới mà không có lỗi. Gặp được những loại quần áo đó, người bán lẫn người mua đều khoái.

 

Ở các con đường Trương Công Định, Phạm Phú Thứ... các chủ hàng thường không có thời gian để "trưng bày sản phẩm" như đúng tên gọi của cửa hàng. Chỉ vài cái được treo lèo tèo trên mắc cho có “tụ” còn hầu hết quần được đổ về thành đống cao ngất ngưởng. Chật chội, nóng bức cách mấy, người mua cũng không quan tâm, chạy qua lại, thấy có hàng mới về là họ tạt vào, dựng xe trước cửa, đổ xô vô bới, lựa.

 

N.A tâm niệm rằng, "muốn xài hàng hiệu giá bèo phải chịu khó". Đó là chịu bỏ thời gian tới lui canh hàng về, nhiều lúc gặp được những lô hàng đẹp, ít đề-phô, người mua dễ dàng vớ được những cái áo hiệu South Pole, Polo... hẳn hòi, nhưng giá cũng chỉ có 20.000 - 30.000 đồng. Thậm chí moi được những món hàng đẹp đã qua đợt nằm sâu dưới dáy, thì bà chủ Thu ở cửa hàng Trương Công Định cũng vui vẻ cho giá một cái áo thun người lớn cỡ 15.000 đồng, đồ trẻ con giá 10.000 đồng... Cô kể, có hôm vớ được hàng đẹp mà rẻ nên cô cứ mua để dành đó chờ dịp tặng bạn bè. Có cái cô khoe giá đến vài trăm ngàn đồng mà mấy người bạn vẫn cứ tin "sái cổ".

 

Theo DNSGCT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm