1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

“Săn” gỗ quý mùa lũ

(Dân trí) - “Mỗi cơn lũ đi qua, ít cũng được vài ba triệu, trúng mánh thì đủ để cả làng ăn mấy năm… Nhiều lúc tưởng gặp gỗ nhưng lại vớ phải xác người đấy...”, anh Ngân Văn Hà (xã Châu Kim, Quế Phong, Nghệ An) với thâm niên hơn chục năm đi “mót” gỗ sau lũ, tiết lộ.

Năm nào cũng thế, mùa lũ sắp đến, những người như anh Hà lại chuẩn bị dụng cụ “mót” ngay từ đầu mùa. Dụng cụ của giới “đi săn” gỗ rất đơn giản: dăm cái ngoắc sắt làm tựa chữ U, nhọn hai đầu để đóng vào thân gỗ, một búa đinh, ai có điều kiện thì đầu tư chiếc cưa máy chạy xăng, còn không thì dùng cưa kéo. Ôm theo đồ nghề, họ cứ suốt ngày dong duổi dọc theo hai triền sông mà tha hồ chọn gỗ.

 

Anh Hà lúi cúi bên thân gỗ pơmu có đường kính xấp xỉ 1m, hồ hởi: “Riêng cái dòng sông Nậm Giải này, năm nào lũ về cũng cho bà con ta bồ ngô, bì thóc… Nhiều gia đình vớ được gỗ quý lắm. Năm ngoái lũ xong, cả làng ta đổ dồn ra sông mò gỗ quý như pơmu, samu, đinh hương, săng lẻ…”.

 

Theo anh này thì năm nay lũ khủng khiếp quá, không ai ngờ tới, cướp đi 13 người con của bản. Nhưng  bất chấp dòng lũ dữ, mọi người vẫn đổ xô đi “mót” gỗ quý. “Hiện trong nhà tui cũng có hàng khối gỗ quý rồi. Cũng được gần cả chục triệu đồng chứ chẳng chơi. Nhiều người còn huy động cả gia đình đi thăm gỗ đấy”.

 

Ông Lô Chí Kiên - Bí thư huyện uỷ Quế Phong - cho biết: Hiện tại cánh rừng Pù Hoạt có rất nhiều loại cây quý nằm trong sách đỏ Việt Nam như pơmu, samu, đinh hương, táu,… Riêng hai loại samu và pơmu sống riêng ở một cánh rừng, thân dễ gãy, có mùi thơm nên khi đổ xuống, dù nằm trên hay vùi dưới đất đều không bao giờ bị côn trùng tấn công. Cho nên samu có thể nằm hàng trăm năm dưới đất mà không hư hỏng. Mưa lũ nước xói làm cho loại cây này gãy đổ rồi cuốn theo dòng sông; nước rút, những khúc gỗ lớn biến thành vàng đối với những người săn gỗ quý.

Dọc dòng sông Hiếu, sông Nậm Giải ở các huyện miền Tây xứ Nghệ, khi cơn lũ đi qua, đâu đâu cũng thấy gỗ nằm ngổn ngang. Nên người người đổ xô đi vớt củi, săn tìm gỗ quý.

 

Bà La Thị Sầm (48 tuổi) ở Quế Phong cho biết: “Năm ngoái ta cùng chồng cũng kiếm được 2 khúc gỗ trên dòng Nậm Giải, bán được 4 triệu đồng đấy. Hiện ta mới được một khúc nhưng cũng có người ngã giá 5 triệu đồng. Ta chưa bán mô, dài dài ngày nữa thì quý lắm”.

 

Anh Hà bảo: “Mò gỗ ở dưới sông rất ghê, nhiều lúc vớ phải xác người, xác các loài động vật đã chết trương, mùi thối rữa nồng nặc…”.

 

Bí thư Huyện uỷ Quế Phong cho biết, ông không hoan nghênh việc người dân đi mót gỗ vì công việc này rất nguy hiểm, nếu dòng lũ bất ngờ nổi cơn thịnh nộ thì sẽ mất mạng như chơi. “Nhưng chính nhờ đội ngũ “săn” gỗ này mà chúng tôi nhanh chóng tìm được xác 13 người con của Nậm Giải chết do lũ cuốn. Nếu không có họ, công tác tìm kiếm chắc sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông này thừa nhận.

 

Nguyễn Duy - Nguyên Nghĩa