“Săn” gỗ lậu giữa rừng phòng hộ đầu nguồn
(Dân trí) - Khe Nét thuộc rừng phòng hộ Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã được Thủ tướng đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Thế nhưng tốc độ phá rừng ở đây vẫn diễn ra chóng mặt. PV Dân trí đã len vào một đường dây lâm tặc để tìm câu trả lời.
Vào hang vẫn không bắt được cọp
Như đã y ước, chiều cuối tháng 5, nhân mối (vốn là một lâm tặc có tiếng vùng Khe Nét - Tân Ấp) gọi cho chúng tôi phát một thông tin cực kỳ nóng sốt: ba bè gỗ ước tính khối lượng hàng chục m3 đang ém ở khu Ba Láng nằm ở thượng nguồn Khe Nét, cách chân trạm bảo vệ rừng (BVR) Khe Nét (BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa) chừng 30 phút đường khe.
“Ngay trong đêm hoặc sáng mai, gỗ sẽ xuôi sau khi “làm luật”. Nếu đi ngay trong đêm may còn kịp, còn một khi gỗ đã qua được cầu Khe Nét thì mọi chuyện coi như xong”, nhân mối nói thêm, không quên tái khẳng định thông tin bằng việc cung cấp đầy đủ tên tuổi các chủ bè.
Ngay lập tức, nhóm chúng tôi lên đường sau khi nguệch ngoạc vài dòng sơ đồ đường sá. Mất 100 km lên Thị trấn Đồng Lê, rồi vượt chừng 15 km con đường tỉnh lộ nhiều đoạn nham nhở mù bụi vì sửa đường, bóng đêm đã trùm lên Khe Nét.
Dấu vết lâm tặc bỏ lại trên đường lên Ba Láng.
Dọc đường đi, đập vào mắt người khách không mời là những chiếc xe trâu kéo trĩu nặng vì gỗ lậu. Nào xe, nào trâu lĩa, gỗ đi đầy đường chẳng cần che giấu. Từ đoạn qua cầu Đò Vàng lên tới mấy mỏ quặng sát nách Tân Ấp, có khoảng 3 - 4 chuyến xe và hàng chục con trâu lực lưỡng lĩa gỗ như thế.
“Ơ ông ơi, gỗ đầy đường ra đấy, tôi kêu lực lượng bắt nhé. Cần gì lội suối vào rừng cho mệt”, chúng tôi cố gắng kết nối với nhân mối, không khỏi ngạc nhiên vì những gì diễn ra trước mắt. “Vớ vẩn, đáng gì mấy thanh gỗ tạp ấy, không vào hang mà đòi bắt cọp sao” - nhân mối đáp lại bằng vẻ tỉnh bơ.
Đành bỏ qua “mấy thanh gỗ tạp” dù vẫn ấm ức vì tổng cộng số gỗ chúng tôi thấy cũng đến vài m3 chứ ít ỏi gì.
Cầu Khe Nét hiện ra trước mắt, đúng như nhân mối nói: trạm BVR nằm ngay cạnh bờ sông và khó có thanh gỗ nào lọt qua nếu không được cho phép. Hội ý nhanh trên cầu Khe Nét, chúng tôi tiên lượng tình hình nếu một thân không tấc sắt men theo triền khe để đi “bắt” lâm tặc quá liều lĩnh và khó hiệu quả.
Xâu chuỗi lời dặn dò của nhân mối “Đêm mấy ông mà mò lên Ba Láng thì khó toàn mạng, bởi gỗ đã ra đến đó là bao nhiêu công sức, tiền bạc, không dễ gì chúng buông xuôi” với những vụ chống người thi hành công vụ do lâm tặc Quảng Bình gây ra thời gian qua, chúng tôi quyết định chọn phương án khác.
Nhớ tới các chiến sỹ CSMT (PC36 - Công an tỉnh), lực lượng lâu nay đã lăn lộn rất nhiều trong cuộc đấu tranh bảo vệ tài nguyên và phát hiện hàng chục vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên những khoảnh rừng còn lại của Tuyên Hóa, Minh Hóa, một cuộc điện thoại chớp nhoáng và PC36 nhận lời cử 4 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ “bắt cọp”.
Chỉ 30 phút sau, chiếc xe 4 chỗ đỗ xịch ở ngã ba Tân Ấp, tất cả các chiến sỹ PC36 mặc thường phục. “Theo kinh nghiệm của bọn tôi, những tin báo chi tiết như vậy thường là có thật”, một người nói, rồi cả 4 người nhanh chóng lên xe, nổ máy thẳng hướng cầu Khe Nét.
Nhìn cái dáng lực lưỡng, sự quả quyết và nước da cháy rám của 4 “đồng đội”, chúng tôi vững tin hơn. Hai chiếc xe lầm lũi phóng đi trong đêm, trên con đường tối tăm thi thoảng lác đác vài bóng đèn từ nhà dân và những mỏ quặng.
Hai xe trờ tới trạm, ông Lương Ngọc Văn - Trạm trưởng và mấy trạm viên vừa cơm nước xong, nhận lời phối hợp. “Gỗ ở đâu? Đi đường nào? Ai báo đấy? Liệu có chính xác không?”, những câu hỏi liên tiếp được trạm đặt ra. Chúng tôi chỉ có thể trả lời một câu duy nhất: “Ba Láng, hướng thượng nguồn”.
Những cung đường đêm trơn trượt ven Khe Nét.
Cả nhóm vượt rừng cao su, men theo bờ suối đi về phía thượng nguồn. Nhịp chân gấp gáp nhưng mức độ thông thuộc địa hình khác nhau nên lực lượng trạm đi trước, lực lượng PC36 theo ngay sau và chúng tôi đi cuối cùng.
“Cứ thế, gỗ đã kết bè chỉ có thể xuôi chứ không thể đi ngược dòng” - nhân mối khẳng định trong cuộc gọi cuối cùng khi đồng hồ đã điểm 21 giờ.
Gần một giờ tìm kiếm trên mặt khe và con đường mòn đi trên đá, “ba bè gỗ” vẫn biệt tăm. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi ngã dúi dụi, ướt như chuột lột bởi những ghềnh đá trơn như bôi mỡ. “Chắc nguồn tin sai rồi”, lời của một ai đó cất lên. Tôi lặng lẽ lùi lại phía sau, bấm điện thoại nhưng số của nhân mối chỉ còn tiếng “tò tí te…”.
Cả đoàn men theo ghềnh đá qua khe, ai cũng phải cúi gập người hoặc chống gậy để không trượt ngã. Thêm 30 phút vô vọng, chúng tôi đành quay về kèm theo lời xin lỗi đối với các “đồng đội” CSMT. Một chút an ủi khi nhận được lời động viên: “Anh em đi làm nhiều nên hiểu mà, khi nhân mối không bám được bè thì tình hình xoay chuyển nhanh lắm”.
Đoàn men theo ghềnh đá qua khe, ai cũng phải cúi gập người hoặc chống gậy để không trượt ngã.
Trở về trạm, khi chúng tôi đang tu ừng ực những ca nước chè xanh thì ông trạm trưởng khẳng khái: “Chắc tin báo bậy thôi, làm gì có chuyện đến mấy bè gỗ qua đây. Ở đây anh em canh chặt lắm, gỗ lọt khe sao được”.
“Hàng về”
Sáng hôm sau, trời chưa kịp sáng thì chuông điện thoại lại reo. Nhân mối từ trạng thái hồ hởi đoái công chuyển sang thất vọng và dè bĩu: “Khi các ông luồn vào rừng cao su thì gỗ nằm ngay ở đoạn khe sát chân rừng, khi các ông “bò” lên thượng nguồn thì gỗ cứ thế xuôi về sông Gianh. Tôi đã báo là không có sai”. Đáp lại sự hoài nghi là thái độ tức giận của nhân mối: “Chờ mà xem”.
Sau hai ngày “chờ”, cuối cùng đã có cái để “xem”. Nhân mối lại gọi, lần này gỗ không nhiều như trước nhưng “hàng về” ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Chúng tôi lại lao đi, không dám gọi lực lượng CSMT vì chưa hết áy náy chuyện cũ.
Vẫn con đường cũ, nhưng kế hoạch tiếp cận thay đổi. Chúng tôi tạt qua trạm Khe Nét, nói về mối quan tâm môi trường quanh những mỏ quặng gần đó rồi đi. Vừa qua khúc cua, chúng tôi lặng lẽ quay lại và chọn một chỗ khuất dưới chân cầu Khe Nét ngồi chờ.
30 phút dưới cái nắng đổ lửa, một con trâu xuất hiện với mấy thanh gỗ đẽo vuông kết phía sau. Thêm một con nữa và nhiều con trâu “khả nghi” khác xung quanh. Biết “hàng về”, chúng tôi không ai bảo ai chong máy, ghi lại tất cả các hình ảnh và cả sự tán loạn của nhóm lâm tặc khi phát hiện người lạ.
Trâu kéo gỗ ngay trước mặt trạm, việc mà ông trạm trưởng khẳng định "không thể xảy ra".
Chúng tôi lại vào trạm, báo tin gỗ đang xuôi gần đến cầu. “Không thể có chuyện đó, anh em chúng tôi còn ngồi đây mà”, ông Văn nhất mực khẳng định, khẳng khái như lần “săn đêm” trước đó.
Nhưng khi ông Văn đang quả quyết thì chuyện “không thể có” lại lù lù xuất hiện ngay sau lưng. Dưới khe, ngay trong tầm mắt trạm, nhóm người, trâu đang kéo gỗ lầm lũi đi. Ông Văn im lặng trong giây lát, rồi như sực nhớ liền chỉ tay lệnh cho các nhân viên trạm chạy xuống khe.
Chúng tôi chưa kịp bước theo thì đã nghe lời giải thích: “Các anh thông cảm, nước lọt thì cá lọt. Anh em sơ suất, dân lợi dụng…”.
Hai giờ sau, khi chúng tôi bước vào phòng của ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa thì ông Văn đã ở đó. “Anh Văn ở trạm Khe Nét đó, anh ấy xuống báo cáo chuyện hồi trưa và nhờ tôi hỏi xem mấy anh nhà báo là ai”, ông Nam không giấu giếm.
Sau khi nghe phản ánh toàn bộ sự việc, ông Nam khẳng định sẽ yêu cầu trạm Khe Nét báo cáo để có hướng xử lý. Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị gián đoạn chút ít bởi cuộc điện thoại của nhân mối: “Tôi nói có sai đâu”.
“Nghi án” ba bè gỗ đúng hay sai mãi mãi sẽ không sáng tỏ, song hình ảnh những chiếc xe trâu chở gỗ chạy ngang nhiên trên đường, những con trâu lầm lũi kéo gỗ ngay trong tầm mắt của BVR và cái cách giải thích “lọt nước lọt cá” của ông trạm trưởng có lẽ đã đủ để giải thích cho tốc độ phá rừng chóng mặt và nghịch lý của một khu rừng đang được quy hoạch bảo tồn nhưng có thể sẽ chẳng còn gì để bảo tồn.
Hồng Kỹ