1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Săn cá vược cuối mùa

(Dân trí) - Những ngày đầu tháng 5 trời nắng gắt, một số ngư dân vùng biển huyện Gio Linh, Quảng Trị lên thuyền, đến các rạn đá để đánh bắt cá vược cuối mùa. Cái nghề này cũng có lắm chuyện vui buồn, thất thường, vì thế ngư dân gọi việc đánh bắt cá vược là đi săn.

Săn cá

 

Anh Phan Thương ở thôn 8, xã Gio Hải, huyện Gio Linh có thâm niên 20 năm trong nghề săn cá vược. Tay thoăn thoắt vá lại những mắt lưới bị cá vược làm rách trong chuyến săn trước, anh Thương cho biết: “Mùa săn cá vược thường kéo dài từ tháng 10 cho đến đầu tháng 5 năm sau. Đây là khoảng thời gian dòng hải lưu chảy mạnh, các loại cá nhỏ vào bờ kiếm ăn nhiều kéo cá vược vào theo. Cá vược là loại cá lớn, lại hung dữ, nên đánh bắt chúng rất khó, có khi cả mùa chỉ săn được duy nhất một con”.

 

Anh Thương đồng ý cho tôi bám đuôi chuyến đi săn cá vược sáng hôm sau. Đồ nghề mang theo ngoài chiếc thuyền máy có công suất 40 CV là một vàng lưới dài  2.000m với 5 tay lưới. Anh Thương chỉ vào đống lưới cuộn tròn giải thích: “Lưới đánh bắt cá vược có mắt lưới rộng hơn rất nhiều các loại lưới khác, sợi lưới lớn và chắc hơn; đương nhiên tiền sắm lưới cũng lớn”.

 

Mặt biển những ngày này khá bình yên. Chiếc thuyền nổ máy xình xịch đưa chúng tôi đến một rạn đá cách bờ chừng 3km. Anh Thương đánh trần, tay thoăn thoắt bủa lưới xuống nước. Công đoạn thứ nhất coi như đã hoàn tất. Anh Thương cho biết sẽ quay thuyền vào bờ chờ đến trưa  mới ra kéo lưới lên. Anh bảo quy trình đánh bắt cá vược chỉ đơn giản như thế. Nhưng đừng nghĩ cá mắc lưới là xong. Nhiều con cá vược lớn, khoẻ, vùng vẫy rách toang lưới rồi chạy mất. Vậy là mất công toi một ngày.

 

Nhưng lần này chúng tôi gặp may, một con cá vược khá lớn đã mắc lưới, giãy giụa không ngừng. Nhanh như cắt, anh Thương dùng sợi dây thòng lọng tròng vào đuôi cá rồi cột chặt vào thuyền. Với đôi tay rắn chắc và lão luyện, anh rê phần lưới mắc cá lên thuyền. Con cá vược chừng 5kg đã bị tóm. Anh Thương nở nụ cười mãn nguyện: “Rứa là ngày mai có cơm gạo ăn no rồi. Con cá này nếu bán được giá thì có 600 ngàn là chắc. Cũng may trời thương, lâu rồi săn riết có được gì đâu, mấy đứa nhỏ đi học chưa có đủ tiền đóng góp”.

 

Vui buồn nghề săn cá vược

 

Trong nghề đánh bắt cá vược có lắm chuyện cười ra nước mắt. Anh Thương kể nhiều hôm buổi sáng bủa lưới, trưa ra xem đã thấy lưới không cánh mà bay. Nguyên nhân là do lưới thả không người trông, các thuyền khác trông thấy nổi lòng tham đánh cắp. Anh Thương cho biết từ khi vào nghề đến nay, anh đã mất lưới không dưới mười lần, mà mỗi lần sắm lại là tiền triệu.

 

Theo lời Anh Thương, nghề săn cá vược nói nghe đơn giản nhưng có bắt tay vào mới thấy chẳng dễ chút nào. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố rủi may và thời tiết, thế nên cả huyện Gio Linh, người làm nghề này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

Riêng với anh Thương, đây được coi là nghề gia truyền. Cụ thân sinh ra anh trước đây từng được đứng vào hàng cao thủ trong nghề săn cá vược. “Ông cụ không chỉ giỏi đoán con nước mà còn rất am tường những nơi cá vược xuất hiện. Có mùa ông cụ săn được gần 15 con. Tất nhiên cũng có mùa thất bại, chẳng được con nào. Những mùa ông cụ không săn được cá cả nhà tui đói meo”.

 

Bây giờ, cũng có thời gian nhà anh Thương phải chịu cảnh đói meo vì không săn được cá. “Cá vược rất khôn lanh,  không bao giờ đi thành bầy cả. Mỗi con thường đi theo những con cá trích hay cá cơm vào bờ. Vì vậy phải tính toán đặt lưới đúng vị trí mà chúng xuất hiện. Giá cá rất đắt, mỗi kg lên đến 130 nghìn. Mỗi mùa chỉ cần săn được dăm con là có khoảng 5 triệu rồi, nhưng nếu không săn được con nào thì gạo cũng không đủ mà ăn”.

 

Nhiều lần anh săn được con cá vược to nhưng lại không bán được hoặc chỉ bán được với giá rẻ, vì con cá đã bị các loài cá khác ăn mất một nửa. Có hôm cả nhà anh ăn cá vược thay cơm vì con cá không còn nguyên vẹn, bán không ai mua.

 

Buổi trưa hôm đó, tôi được anh Thương đãi món cá vược. Chia vui cùng anh còn có mấy người hàng xóm. Thịt cá vược tươi rói, hấp chấm muối chanh, nhắm với chai rượu sủi tăm. Những ngư dân ngồi khề khà kể chuyện rủi may cùng con cá vược. Ngoài kia biển xanh vừa hẹp hòi, vừa khoáng đạt rì rào vỗ sóng...

 

Trần Nghệ