1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sân bay - chuyển nhượng thế nào?

Sau tuyên bố chuyển nhượng đường cao tốc, Bộ GTVT đang xúc tiến chuyển nhượng quyền khai thác các nhà ga hàng không để lấy vốn xây dựng các sân bay mới, trước mắt là sân bay Long Thành. Vấn đề nhiều người quan tâm là việc bán loại hàng hóa lớn, chưa từng có tiền lệ này được thực hiện ra sao?

Sân bay - chuyển nhượng thế nào?
Cảng hàng không sân bay Nội Bài - nơi dự kiến chuyển nhượng một phần cho doanh nghiệp khai thác . Ảnh: Ngọc Châu.

Nhà nước quản an ninh, an toàn

Một trong những lo ngại lớn nhất khi nhà ga, cảng hàng không được giao vào tay tư nhân là vấn đề an toàn, an ninh hàng không sẽ được xử lý ra sao? Trả lời vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không khẳng định: “Với hàng không, an toàn, an ninh là vấn đề hàng đầu, nhà nước trực tiếp quản lý. Dù tư nhân khai thác nhà ga, các cơ quan quản lý nhà nước (cảng vụ hàng không, Tổng Cty Quản lý bay) vẫn nắm quyền điều hành về an ninh, an toàn bay. Các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng nhà ga thực ra chỉ là nhà khai thác cảng như Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam hiện nay”.

“Việc xác định giá trị công trình vô cùng quan trọng, ngoài phần nhìn thấy được, còn phải xem tính giá thương hiệu hay không. Do đó, phải có một bộ phận chịu trách nhiệm xác định giá do ngành tài chính đảm nhiệm”.

Cục trưởng quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, Tổng GĐ hãng Hàng không Hải Âu cho rằng, việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, an ninh quốc phòng không liên quan đến việc nhà nước, tư nhân hay nước ngoài là chủ sân bay. “Quan điểm cứ phải nhà nước đầu tư mới quản lý được là trái với thực tiễn thế giới. Không chỉ riêng trong lĩnh vực hàng không mà trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào cũng vậy”, ông Nam nói. Theo ông Nam, việc tư nhân sở hữu sân bay diễn ra phổ biến trên thế giới.

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, chủ trương xã hội hóa đầu tư sân bay không phải bây giờ mới thực hiện. Đầu tháng 1 vừa qua, sân bay Phan Thiết được Tập đoàn Rạng Đông đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao). Tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với liên danh Tổng Cty Cảng hàng không Hàn Quốc, Cty TNHH Joinus VN và Cty TNHH Posco E&C lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BOT sân bay Vân Đồn với diện tích gần 284,6 ha.

Ông Minh cho biết, hiện tại, Bộ GTVT chỉ mới chủ yếu lên phương án chuyển nhượng các nhà ga hàng không, chưa tính đến việc chuyển nhượng toàn bộ cảng hàng không (bao gồm cả nhà ga hàng không, phần đường băng cất hạ cánh...) vì các cảng hàng không ở nước ta phần lớn dùng chung cho cả mục đích quân sự và dân sự.

Sảnh E nhà ga T1 sân bay Nội Bài có thể sẽ được nhượng quyền khai thác cho VietJet. Ảnh: Sỹ Lực.
Sảnh E nhà ga T1 sân bay Nội Bài có thể sẽ được nhượng quyền khai thác cho VietJet. Ảnh: Sỹ Lực.

Công khai chọn nhà đầu tư

Tổng GĐ Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, Tổng Cty đang được Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế và triển khai thực hiện việc chuyển nhượng sân bay; trước hết là sân bay Phú Quốc. Theo ông Hùng, phương án chuyển nhượng sẽ bao gồm nhiều nội dung như xác định giá cả, cách thức đấu thầu, các điều kiện khi thực hiện; trong đó có điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh hàng không sau khi chuyển nhượng.

Về chủ trương chỉ định chuyển nhượng sảnh E nhà ga T1 sân bay Nội Bài (Hà Nội) cho Hãng hàng không Vietjet, ông Hùng cho biết, hiện chỉ mới dừng ở chủ trương. “Việc lựa chọn doanh nghiệp nhận chuyển nhượng sẽ được bàn từng bước hết sức cụ thể trên nguyên tắc đảm bảo theo quy định pháp luật”.

Trao đổi với PVTiền Phong, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, việc chuyển nhượng quyền khai thác nhà ga hàng không có thể căn cứ theo quy định đấu thầu, đấu giá tài sản nhà nước hoặc theo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vừa được Chính phủ ban hành.

Theo ông Tăng, Nghị định về đầu tư PPP có quy định về hình thức đầu tư mới là “Kinh doanh- Quản lý” (O&M). Theo đó, O&M là hợp đồng được ký giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định. Như nhà nước đầu tư làm một con đường, sau đó có thể giao cho một đơn vị quản lý, vận hành và khai thác một thời gian và phải trả tiền cho nhà nước.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhiều hình thức đối tác công - tư khác. “Nhưng dù hình thức nào thì việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đều phải đấu thầu rộng rãi, kể cả dự án đó do nhà đầu tư tự đề xuất cũng đấu thầu. Nhà đầu tư đề xuất chỉ được cộng 5% ưu đãi so với nhà đầu tư khác”, ông Tăng nói. Theo đó, quy định mới loại bỏ trường hợp dự án do nhà đầu tư tự đề xuất sẽ đương nhiên trúng thầu (hoặc được chỉ định thầu) như trước đây.

Trường hợp nếu chỉ có một nhà đầu tư, liệu nhà đầu tư đó có chắc chắn trúng thầu hay không? Ông Tăng cho biết: Cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thẩm định giá công trình, nhà đầu tư đáp ứng được giá (thậm chí giá cao hơn) mới trúng thầu. Không phải chỉ một đơn vị, thì muốn trả giá bao nhiêu cũng được.

Theo Sỹ Lực - Lê Hữu Việt
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm