Sai phạm mua thiết bị chống Covid: Yêu cầu thẩm định lại giá

Thế Kha

(Dân trí) - UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh tổ chức thực hiện lại việc thẩm định giá tài sản bảo đảm đúng quy định; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Theo Kết luận thanh tra số 157 về việc thực hiện các gói thầu mua trang thiết bị y tế, hoá chất, vật tư tiêu hao trong phòng, chống dịch Covid-19 do ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký duyệt, mặc dù “dính” hàng loạt sai phạm nhưng Sở Y tế tỉnh Thái Bình chưa thanh toán các chi phí liên quan đến các gói thầu do Sở này làm chủ đầu tư, chưa gây hậu quả về kinh tế. Các trang thiết bị y tế đã được lắp đặt, sử dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chính vì thế, xét đề nghị giải trình của Sở Y tế và các nhà thầu, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh tổ chức thực hiện lại việc thẩm định giá tài sản bảo đảm đúng quy định.

Sai phạm mua thiết bị chống Covid: Yêu cầu thẩm định lại giá - 1

Sở Tài chính tỉnh Thái Bình.

Sở Tài chính tỉnh Thái Bình được giao thẩm định dự toán điều chỉnh trình UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt làm căn cứ cho Sở Y tế và các nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế thương thảo, ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá làm cơ sở thanh, quyết toán gói thầu.

“Các nhà cung cấp đúng chủng loại trang thiết bị y tế theo hợp đồng điều chỉnh và quyết định phê duyệt dự toán của UBND tỉnh Thái Bình. Sở Y tế tổ chức nghiệm thu trang thiết bị máy móc đúng quy định để làm cơ sở thanh, quyết toán các gói thầu theo quy định”- kết luận nêu rõ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã giao Sở Y tế, Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình và các cá nhân, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra các hạn chế, tồn tại, vi phạm.

Những doanh nghiệp nào trúng thầu?

Như Dân trí đã liên tục phản ánh, gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi (Gói thầu số 01) có đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, giá trúng thầu trên 19,3 tỷ đồng nhưng giá trị hợp đồng được ký kết là gần 18 tỷ đồng.

Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Gói thầu số 05), đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, giá trúng thầu 6,48 tỷ đồng nhưng giá trị hợp đồng điều chỉnh xuống còn 5,832 tỷ đồng (!?).

Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện (Gói thầu số 09), đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê, giá trúng thầu 20,66 tỷ đồng; giá hợp đồng được ký kết gần 18,6 tỷ đồng.

3 gói thầu tư vấn thẩm định hồ sơ yêu cầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu có đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư TMT, giá trị hợp đồng được ký là 47,5 triệu đồng.

Đối với các gói thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, kết luận thanh tra cho biết: Gói thầu mua sắm thuốc, hoá chất, sinh phẩm và trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 do Công ty cổ phần y tế và đầu tư thương mại Sao Nam trúng thầu, giá trị hợp đồng còn lại (sau khi chấm dứt hoạt động) là 4,24 tỷ đồng.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện 3 gói thầu do Sở Y tế Thái Bình làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, Sở này đã thông báo cho 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê) đề nghị xác nhận đảm bảo tư cách hợp lệ của nhà thầu và có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Tuy nhiên, cả 3 hồ sơ đề xuất của các nhà thầu đều có thông tin không trung thực, vi phạm Luật Đấu thầu, không đáp ứng điều kiện kê khai trung thực của hồ sơ yêu cầu.

Sai phạm mua thiết bị chống Covid: Yêu cầu thẩm định lại giá - 2

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra việc lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình vào tháng 4/2020 (Ảnh: Đức Văn).

“Xuất xứ Nhật Bản” nhưng thực chất là “xuất xứ Trung Quốc”

UBND tỉnh Thái Bình phát hiện, thời điểm các trang thiết bị đã được lắp đặt, vận hành; thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao đã tiếp nhận theo hợp đồng nhưng chưa có đầy đủ giấy tờ uỷ quyền bán hàng.

Các tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu là các bản photo đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu, không thể hiện một số thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hoá nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP,…), tỷ giá ngoại tệ, giá trị tính thuế VNĐ, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,…

Một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xoá giá trị như các loại Comercial Invoice (hoá đơn thương mại) không có giá trị tính trên đơn vị (price/unit) và tổng giá trị (Total amount).

Riêng tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi do Sở Y tế Thái Bình làm chủ đầu tư, hợp đồng với nhà thầu, biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản giữa Sở Y tế, Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng 3Dmax thì mặt hàng máy điện tim 3 kênh model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản.

Thế nhưng khi kiểm tra thực tế máy đã bàn giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình phát hiện máy điện tim 3 kênh có xuất xứ Trung Quốc (!)