1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sai lầm trong thời chiến sẽ bị địch… “phê bình” ngay

(Dân trí) - "Đại tướng tổng kết, thời chiến khắc nghiệt lắm vì anh làm sai địch sẽ phê bình anh ngay. Phê bình tức là nó tiêu diệt anh...”, Đại tá Trịnh Nguyên Huân - Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 35 năm kể với phóng viên.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân - Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1976 đến nay kể lại những câu chuyện đời thường, những dấu ấn bình dị về vị tổng tư lệnh tài ba của Việt Nam, nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng. Ông bắt đầu câu chuyện bằng sức khoẻ của Đại tướng:
 
Vài ngày trước tôi cùng gia đình, người thân vào bệnh viện thăm thấy Đại tướng rất tỉnh táo, minh mẫn, sức khỏe ổn định.
 
Gặp ai, Đại tướng cũng bắt tay thân mật. Có cảm giác lâu không gặp nên thấy ai ông cũng hồ hởi, muốn nói nhưng không nói được to. Chúng tôi chủ yếu đoán biết ý qua khẩu hình. Ông hỏi từng người có khỏe không.

Gương mặt, sắc thái của Đại tướng rất tươi, vui như muốn giữ mọi người lại ngồi chơi, nói chuyện, không muốn để về…

Khoảng 1 năm nay, sức khỏe Đại tướng khá ổn định. Cách đây 2 tuần Đại tướng cũng trực tiếp ký, gửi thiếp cảm ơn với những anh em vào thăm, chúc mừng nhân dịp Đại tướng 100 tuổi. 

Người cha, người thầy, danh xưng “anh”

Tôi giúp việc cho Đại tướng đến nay đã 35 năm, bắt đầu từ 1976, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 4 - Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Sau đại hội này Đại tướng được phân công làm Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực hoàn toàn mới - khoa học kỹ thuật.
 
Sai lầm trong thời chiến sẽ bị địch… “phê bình” ngay - 1
Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến trận Điện Biên Phủ

Tôi từ cơ quan (Học viện Kỹ thuật quân sự Hưng Yên) về Hà Nội thì có xe đón đưa thẳng đến Đồ Sơn, nơi Đại tướng đang họp cùng một số nhà khoa học. Khi tôi vào gặp, Đại tướng đang điều hành cuộc họp, ông giới thiệu sơ qua và chỉ tôi vào chỗ ngồi làm việc luôn.

Thấy mọi người ngồi đó đều gọi Đại tướng là “anh Văn”, tôi rất ngỡ ngàng nhưng Đại tướng nói cứ xưng hô như mọi người nên tôi cũng gọi là… “anh Văn”. Từ đó đến giờ tôi duy trì cách gọi vậy và không hề có cảm giác xa lạ.

Tôi ở tuổi còn ít hơn người con đầu của Đại tướng và về cấp độ dĩ nhiên, thấp hơn nhiều nhưng không có khoảng cách, nghi lễ gì… Tôi nhớ rất rõ cảm giác không phải gặp một vị tổng tư lệnh quân đội, mà là một cảm giác rất gần gũi.

Vì bắt tay vào công việc ngay, ai có ý kiến có thể phát biểu thẳng thắn, xoay quanh việc Đại tướng chuẩn bị tham luận về cách mạng KHKT của Việt Nam. Nội dung trao đổi, Đại tướng để mọi người rất thoải mái. Trong tất cả những buổi làm việc sau này cũng vậy.

Bản thân Đại tướng, như bậc cha chú, đồng thời cũng là người thầy. Cung cách làm việc, kiểu khơi gợi, tự nhiên như một người hướng dẫn, buộc mình phải tự đọc, tự học mới có được tri thức về mỗi vấn đề để đóng góp ý kiến. Tri thức của mình khi mới về làm việc chỉ ở một chuyên môn rất hẹp nhưng sau đó tự khắc phải tự tìm tòi, mở rộng. Dần dần quá trình làm việc tạo cho mỗi người tinh thần chủ động.

Quá trình làm việc với Đại tướng luôn là quá trình học. Dần dần trong ngần ấy năm mới nhận thấy tầm nhìn của mình về các vấn đề đã khác, có sự bao quát chung.

Khi mới về làm việc cùng, tôi thấy Đại tướng viết rất nhiều bài về thời cuộc, chiến tranh. Tôi chỉ có chuyên môn về khoa học. Những ngày đó, đơn thuần là ông đọc chính tả cho tôi ngồi chép, ghi lại. Ông thường có một tờ giấy trắng vạch sơ một đề cương rồi cầm đi quanh phòng, gần như không để ý gì khác nữa, vừa đi vừa đọc cho tôi viết lại.

Tôi làm việc “chép chính tả” suốt những năm 1976 - 1978. Trải qua vài năm, tôi bắt đầu hiểu vấn đề và có thể tham gia góp ý. Đại tướng đều lắng nghe, có thể chấp nhận, có thể nói như vậy không được.

Nhiều năm sau này, khi sức khỏe không còn như trước, ông nói ý và yêu cầu tôi phác thảo bài viết luôn. Sau đó, đại tướng xem lại và sửa. Lúc đầu các bài viết Đại tướng sửa rất nhiều, càng về sau càng ít hơn, đại tướng chấp nhận nhiều hơn. Từ lúc đọc cho chép đến bước này là cả quá trình vừa học vừa làm của tôi. Đó là công việc rất cụ thể của 1 người trợ lý.
 
Các anh chị hỏi, có khi nào Đại tướng bực mình thì nói thật, cũng có những lúc Đại tướng bực mình, chẳng hạn khi nghe đến những chuyện như phá rừng, hủy hoại môi trường... Nhưng Đại tướng chưa bao giờ bực mình với tôi.

Có thể là một trận “nướng quân” nếu…

Làm việc ở Văn phòng Đại tướng mấy chục năm qua, tôi có cơ hội chứng kiến nhiều câu chuyện về tình đồng đội của ông với những người chiến đấu cùng trong trận Điện Biên Phủ năm xưa. Rất nhiều năm sau chiến thắng đó, một lần, tất cả các vị tướng lĩnh đã từng tham gia trận đánh đến đây thăm Đại tướng.

Mọi người nói, trước trận đánh quyết định, khí thế chiến trường đang hừng hực nên cũng không thấy hết vấn đề. Nếu không có quyết định chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc, quyết định kéo pháo ra, làm lại trận địa của Đại tướng thì giờ này chắc không mấy ai còn ngồi đây để hàn huyên với nhau. Đó có thể là một trận “nướng quân”, làm tiêu hao lớn lực lượng và có thể kéo lùi cuộc kháng chiến chống Pháp đến hàng chục năm.
 
Sai lầm trong thời chiến sẽ bị địch… “phê bình” ngay - 2
Đại tá Trịnh Nguyên Huân

Đại tướng cũng vẫn đánh giá đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Đại tướng đã suy nghĩ suốt một đêm vì ý kiến nhiều người xung quanh khi đó vẫn chủ trương giữ kế hoạch tấn công nhanh gọn như trước. Giờ chỉ có mình ông và số ít, 1-2 người khác đặt vấn đề cần thay đổi chiến lược khi nhìn tình hình thực tế chiến trường. Và quyết định khi đó, ông chia sẻ, thực sự khó khăn vì phải thay đổi suy nghĩ của mọi người và bản thân mình. Thành bại ở đây là hoàn toàn do cá nhân quyết định.

Sau này, tổng kết lại, Đại tướng nói: “Thời chiến khắc nghiệt lắm vì anh làm sai địch sẽ phê bình anh ngay. Phê bình tức là nó tiêu diệt anh... Sai lầm trong thời bình, có thể không thấy tác động ngay như thời chiến nhưng vẫn để lại những hậu quả mà có khi phải nhiều năm sau mới thấy”.

Trong quá trình làm việc, Đại tướng không nói nhiều đến chiến thắng oanh liệt ấy, chỉ nhắc lại như những bài học kinh nghiệm rút ra là mỗi người phải chủ động trong cách xử lý của mình. Có thể tham khảo ý kiến này khác nhưng luôn phải chủ động mà sự chủ động này xuất phát từ thực tiễn đặt ra vấn đề thế nào thì cần hướng tới giải quyết chứ không thể giáo điều, sách vở. Bài học ấy cũng được ông tiếp tục kiểm nghiệm trong suốt quá trình lãnh đạo sau này.

Nằm viện vẫn nghe tin thời sự cả buổi

Đại tướng có thói quen, sau mỗi buổi chiều làm việc, trong lúc đi bộ tập thể dục vẫn có chúng tôi đi cùng để trình bày tất cả những thông tin thời sự, tình hình trong nước, quốc tế hay những thông tin mới trên tất cả các bình diện hoặc có thể chỉ là 1 cuốn sách mới.

Khi trình bày về các vấn đề thời sự quốc tế, ông thường có trong tay 1 bản đồ để nếu cần thì giở ra hoặc không thì phải mô tả để trong đầu người nghe hình dung về tấm bản đồ trước mặt. Đây có thể là thói quen của 1 vị tướng, 1 người cầm quân, thường lúc nào cũng có bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới gấp nhỏ bằng bàn tay mang theo người.

Khi Đại tướng bị ngã, chân đau, không đi lại được thì hàng ngày chúng tôi lại vào trong bệnh viện trình bày. Khoảng 2 năm trước, ông vẫn thường ngồi nghe tin thời sự cả buổi 4 - 5 tiếng đồng hồ, thời gian trôi qua lúc nào không biết..

Sau này chúng tôi vẫn duy trì hoạt động báo cáo nhưng chủ động hạn chế để đảm bảo sức khỏe cho Đại tướng, theo yêu cầu của bác sỹ, bệnh viện. Ông có hỏi cũng cố gắng tránh, không nói nữa. Thời gian đầu Đại tướng vẫn hỏi chuyện mỗi lần tới 2-3 tiếng đồng hồ nhưng sau chúng tôi cố gắng cắt dần, chỉ trình bày ngắn gọn trong khoảng 10 phút.

Tôi vẫn hình dung rõ mồn một như vừa đây thôi, hàng ngày Đại tướng làm việc xong, đi bộ quanh nhà, có lúc ông lại rẽ vào phòng làm việc của tôi bằng cửa mở ra phía sân, hỏi han tin tức hôm nay có gì đặc biệt. Đại tướng ngồi lại một chút rồi lại đứng dậy đi, tôi cũng đứng lên đi cùng để trình bày, trao đổi tiếp. Mà cả thầy cả trò đã sa vào đề tài ấy, có khi lại mất hàng tiếng đồng hồ, thời gian trôi qua rất nhanh, tối sập lúc nào không biết. Cũng có hôm Đại tướng thong thả chăm sóc cây trong vườn. Nhiều buổi tối lại thấy ông ngồi thiền. Giờ ngồi đây tôi vẫn hình dung rõ ràng những cảnh ấy.

Cấn Cường - Phương Thảo (ghi)