“Sách ô vuông, tam giác”: Không phải thích dạy con người ta cái gì cũng được!
(Dân trí) - Qua vụ sách “ô vuông, tam giác”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận thấy mỗi tỉnh một phách, rất phức tạp. Ông đề nghị ngành giáo dục cần quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, bởi không phải thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được.
Chiều 8/11, phát biểu tại tổ về Luật giáo dục (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ lo ngại về vấn đề biên soạn sách giáo khoa. Ông Sinh phân tích, nếu thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì quy trình lựa chọn sách giáo khoa phải là quy trình chuẩn.
“Trong dự thảo luật, vai trò quản lý nhà nước chưa thể hiện. Việc ổn định trong công tác giảng dạy rất khó đảm bảo vì không được quy định rõ trong luật. Nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được”, ông Sinh băn khoăn.
Đại biểu mổ xẻ từ chuyện cụ thể - sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ông Sinh nêu thực tế, phương pháp của GS Đại tỉnh này thì áp dụng, tỉnh kia bỏ, rất phức tạp. Chia sẻ trải nghiệm của cá nhân khi đi dự giờ dạy theo công nghệ giáo dục tại Hòa Bình, ông Sinh nhận xét, kết quả tiết học rất tốt.
Nhận xét chung là đưa phương pháp dạy tiếng Việt này vào giáo dục đại trà có nhiều ưu điểm tích cực nhưng đại biểu Nguyễn Tiến Sinh muốn phải có quyết định rõ ràng về việc có đi theo hướng này không, sau đó phải có quy trình chuẩn, xác định ai được quyền quyết định triển khai việc giảng dạy theo sách công nghệ giáo dục chứ không thể để cho hiệu trưởng mỗi trường tự quyết.
“Qua vụ sách vuông vuông, tròn tròn này thì thấy chỉ chuyện sử dụng sách giáo khoa đã tranh cãi phức tạp như vậy rồi. Ngành giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, không phải là thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội như thế”, đại biểu Sinh khái quát.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng khuyến cáo cẩn trọng với việc biên soạn sách giáo khoa. Qua chuyện những chương trình đưa ra thực nghiệm mà vừa qua, đại biểu nhận thấy công nghệ giáo dục mỗi nơi dạy một kiểu, trường nào muốn dạy thì dạy, trường nào không muốn dạy là không dạy.
“Tôi nghĩ, cùng trong một hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí trong một địa phương mà có trường dạy, trường không dạy. Bộ Giáo dục Đào tạo giải thích nhiều kiểu, nhiều chiều nhưng tôi thấy chưa hài lòng”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cảnh báo, nhiều sách giáo khoa dễ dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách, từ chỗ tùy tiện chọn lựa sách dẫn thừa thiếu cục bộ, có nơi thừa sách giáo khoa môn này, có nơi thiếu sách giáo khoa môn khác.
Đại biểu Hòa đưa ra ví dụ cụ thể ở tỉnh Đồng Tháp vừa qua thiếu sách toán và chữ tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Người dân Đồng Tháp lên tận Sài Gòn mua sách cũng không có, qua Hậu Giang, qua Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có.
Lý do sách giáo khoa “cháy hàng” được đại biểu Hòa cho là vì đến lúc khai giảng, giáo viên nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, sách giáo khoa này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa. Theo ông Hòa nếu thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì phải có quy định hết sức chặt chẽ.
Đừng coi thường nói ngọng
Phát biểu tại tổ TP HCM đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa tư cách mình là một người được ăn học từ bé để góp ý Luật giáo dục sửa đổi. “Lâu nay chúng ta bỏ bê việc học nói. Chúng ta phải quan tâm đến việc này, để đảm bảo học sinh tốt nghiệp tiểu học phải hết nói ngọng vì nói ngọng ảnh hưởng đến viết và đến việc thuyết trình. Đừng coi thường vấn đề này vì nói ngọng ảnh hưởng đến rất nhiều việc khác”, đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên theo đại biểu, mấu chốt của nền giáo dục muốn thay đổi được phải bắt nguồn từ giáo viên. Do vậy, quy định như dự thảo Luật về vai trò của nhà giáo là hoàn toàn chính xác, vấn đề là đưa vào hiện thực. Không có môn học này là hay hoặc không hay mà là ở người dạy, có trình độ, kỹ năng tốt sẽ hấp dẫn, cuốn hút người học.
Theo ông Cường việc giảng dạy trong bối cảnh thông tin cởi mở như hiện nay, nếu người dạy vẫn duy trì phương pháp cũ sẽ không được học sinh chấp nhận. Do đó, phải tạo cho người học cảm thấy nội dung tri thức môn học trở thành nhu cầu, tạo hứng khởi cho người học tự nghiên cứu, tìm tòi. Người thầy phải phát hiện ra những vấn đề mới.
Tuy nhiên, đầu vào với mức điểm tuyển sinh thấp các trường sư phạm trong những năm vừa qua là điều khó có thể tạo ra “đầu ra” chất lượng cao. Do đó, trong Luật giáo dục phải giải quyết được vấn đề là đào tạo giáo viên, thu hút đầu vào chất lượng cao, tố chất tốt cho trường sư phạm. Quy định của dự thảo Luật về cho vay tín dụng thay vì miễn giảm học phí như trước đây sẽ hạn chế những người học sư phạm chỉ để có chỗ học.
Liên quan đến vấn đề thi cử, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nếu thi “2 trong 1” thì phải tính toán cách thi làm sao cho phù hợp, không để xảy tiêu cực.
“Tôi thấy không có năm nào như năm nay, thi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của mỗi tỉnh chung của cả nước đạt gần 99%. Đã nói đến thi thì tất nhiên có người trúng, người trượt. Nhưng đỗ hầu như 100% thì tôi nghĩ chất lượng đầu vào của đại học rất khó khăn. Không nói đến chuyện tiêu cực ở một số tỉnh đã xảy ra, chẳng qua nơi đó phát hiện thôi, còn những nói khác thì chưa biết ra làm sao nhưng cách thi như vậy thì không ổn”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, nếu thi đạt gần như 100% như vậy thì không nên tổ chức thi tuyển để cấp bằng TPHT nữa mà xét tuyển từ lớp 10, 11, 12, để cấp bằng THPT.
“Như thế đỡ tốn tiền của và thời gian của cả xã hội. Còn việc thi tuyển vào đại học thì phải thi như trước đó. Các em thấy mình học giỏi, học khá đảm báo thi vào đại học được thì thi. Còn các em thấy không thi được thì phân luồng để cho các em, các cháu học nghề.. Như vậy thì không lãng phí nguồn lực và các trường cũng dễ tuyển sinh đại học. Đầu ra của đại học cũng đạt chất lượng cao hơn”, ông Hòa nêu ý kiến.
Quang Phong - Phương Thảo