1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sách nói - món quà vô giá cho người khiếm thị

(Dân trí) - Đối với người sáng mắt, sách nói là 1 điều thừa thãi. Nhưng với người khiếm thị, sách nói là một kho tàng. Chẳng thế mà Nguyễn Văn Thanh, một người khiếm thị ví von người đọc sách nói là: “Những con người lặng thầm gieo ánh sáng, kết cho đời hoa nắng trong đêm”.

Món quà vô giá

Khi nói đến sách nói, người ta nghĩ ngay đến cái tên Nguyễn Hướng Dương, người đã nảy ra ý tưởng đọc và thu âm nội dung những quyển sách vào băng cassette và gọi là sách nói. Những quyển sách nói đầu tiên đã ra đời từ năm 1998, sau đó là cả 1 dự án mang tên Thư viện sách nói dành cho người mù được chị Nguyễn Hướng Dương sáng lập. Đến nay, thư viện đã hoạt động được 15 năm.

Nghĩ về ngày đầu tiên, chị Hướng Dương cho biết chỉ đến trường phổ thông Nguyễn Đình Chiểu thăm các em học sinh khiếm thị. Khi biết chị làm ở đài phát thanh, vài em đề nghị chị đọc cho nghe 1 quyển sách yêu thích. Vẻ say mê và háo hức của các em học sinh khiếm thị khi được nghe đọc sách thôi thúc chị làm một điều gì đó, và những quyển sách nói đầu tiên ra đời.

Sách nói - món quà vô giá cho người khiếm thị
Từ nhu cầu thực tế của người khiếm thị, Hướng Dương nảy ra ý định đọc thu âm những quyển sách để làm sách nói

Em Lê Thị Nhung, sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm TPHCM tâm sự: “Chúng tôi, những người khiếm thị như lạc lõng giữa một thế giới khác, không biết gì về thiên nhiên, không biết gì về những điều xảy ra xung quanh trong cuộc sống… Những điều bình thường nhất cũng không thể nào biết được, không thể tưởng tượng ra. Cuộc sống lại buồn bã trôi qua, tôi luôn sống khép kín, xa lánh mọi người bình thường khác…”.

Đối với Nhung, sách nói là một món quà vô giá. Vì từ khi có sách nói, em có thể hình dung thế giới xung quanh như thế nào qua những giọng đọc truyền cảm, có thể đến trường học tập hòa nhập cùng các bạn mà không phải đợi chờ các bạn đọc sách cho nghe, cho học bài chung… Em vào được đại học, theo kịp chương trình học cũng là nhờ những quyển sách nói giáo khoa.

Sau Hướng Dương, hơn 40 tình nguyện viên đã đến thư viện tham gia đọc thu âm sách nói không công
Sau Hướng Dương, hơn 40 tình nguyện viên đã đến thư viện tham gia đọc thu âm sách nói không công

Thạc sĩ Nguyễn Văn Long, một người khiếm thị nhận được nhiều sự hỗ trợ của Thư viện Sách nói cho rằng: “Với việc xuất bản hàng nghìn đầu sách nói từ sách văn học, khoa học cho đến sách giáo khoa các cấp, giáo trình đại học; hỗ trợ hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên khiếm thị, có thể nói Thư viện Sách nói là người bạn đồng hành của người khiếm thị trên con đường học vấn”.

Còn với anh Nguyễn Đức Anh Minh, giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, một người tiếp cận với sách nói ngay từ những ngày đầu thành lập thì đó như là 1 ân huệ đối với cuộc đời anh. Anh tâm sự: “Sự ra đời của thư viện sách nói và nỗ lực của bản thân đã giúp nhiều người khiếm thị bước chân vào giảng đường đại học. Tài liệu học tập rất đa dạng nhưng người khiếm thị không thể tiếp cận được, và thư viện sách nói là 1 cứu tinh”.

Hy vọng vào một tương lai mới

Trong 15 năm, Thư viện Sách nói dành cho người mù đã đọc thu âm 1.300 tựa sách, in ra hàng triện băng cassette, đĩa CD để gửi về Hội Người mù tất cả các tỉnh, các trường THPT đặc biệt dành cho người khiếm thị. Những cuốn sách đặc biệt đó đã giúp hàng trăm ngàn người khiếm thị trên cả nước được tiếp cận với tri thức, phát triển bản thân và hòa nhập với xã hội.

Từ ngày thành lập, Thư viện Sách nói đã tặng hàng triệu bản sách nói cho các đơn vị
Từ ngày thành lập, Thư viện Sách nói đã tặng hàng triệu bản sách nói cho các đơn vị

Chị Hướng Dương cho biết: “Đối với học sinh khiếm thị đang học phổ thông đã có 1 một bộ sách giáo khoa rất đầy đủ mà nhẹ nhàng, thuận tiện bổ sung cho bộ sách bằng chữ nổi. Nhờ sách nói mà các em học không thua kém các em học sinh sáng mắt khi học hòa nhập. Ngoài ra, sách nói còn cung cấp cho các em kho tàng kiến thức lịch sử, văn học, khoa học, y học thường thức…”.

Đến nay, cộng đồng thanh niên khiếm thị đã có hơn 150 người đang theo học đại học, 92 người đã tốt nghiệp đại học, 2 người có bằng thạc sĩ… Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ từ Thư viện Sách nói. Bởi những thanh niên khiếm thị này đều là những người trưởng thành trong thời gian thư viện hoạt động và nhận sự hỗ trợ tài liệu cũng như học bổng từ thư viện.

Chị Hướng Dương tâm sự: “Sách nói đạt được chút thành quả trong 15 năm qua là nhờ vào rất nhiều ân nhân ủng hộ tinh thần, vật chất và đội ngũ tình nguyện viên đọc thu âm. 15 năm qua, có hơn 40 tình nguyện viên là những phát thanh viên, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch… đến thư viên đọc thu âm sách nói. Nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ tài chính, cơ sở cho thư viện hoạt động. Mới đây, thành phố đã cấp cho thư viện 1 địa chỉ ngay trung tâm để làm cơ sở cố định”.

Tuy nhiên, điều chị Hướng Dương và các cán bộ tình nguyện trong thư viện lo lắng là địa chỉ nhà mà thành phố cho xuống cấp quá nặng nề, không thể sửa chữa tạm được, mà xây mới thì chi phí quá lớn. Do đó, Thư viện Sách nói vẫn phải chịu cảnh đi xin ở nhờ, nay nơi này, mai chỗ khác…

Từ ngày thành lập, Thư viện Sách nói đã tặng hàng triệu bản sách nói cho các đơn vị
Chị Hướng Dương cùng các em học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu trong ngày kỷ niệm 15 năm thành lập Thư viện Sách nói

Dù vậy, chị Hướng Dương vẫn lạc quan tin tưởng vào một Thư viện Sách nói ổn định trong tương lai: “Cứ cố gắng rồi mọi việc sẽ tốt đẹp!”. Chị chỉ mong xã hội sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người khiếm thị như em Đỗ Thị Bốn, sinh viên khiếm thị trường cao đẳng Mẫu giáo từng tâm sự: “Hỡi giọng ai đang cất lên xin đừng bao giờ im lặng, hãy cứ vang lên để những con người trong đêm đen cảm nhận được cuộc sống muôn màu. Hỡi những ai đang thắp sáng hãy thổi bùng bên ngọn lửa của tình yêu. Hỡi những ai đang sưởi ấm hãy cứ tiếp tục đi, đừng để cho thế gian này trở nên lạnh giá!”.

Tùng Nguyên