1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Rừng thiêng” ở Điện Biên

(Dân trí) - Có một khu rừng như thế/ Với người dân thắm thiết ruột rà/ Dân trìu mến gọi “rừng Đại tướng”/ Sớm tối giữ gìn như mảnh vườn riêng (Nhạc sĩ Doãn Nho).

Những ngày thăm Điện Biên Phủ, lưu trú trong một ngôi nhà nghỉ xoàng xĩnh “không sao” ở thành phố trẻ này, tôi vẫn cảm thấy thoải mái, bởi vì cũng tàm tạm đủ các tiện nghi đô thị tối thiểu như máy lạnh, bình tắm nước nóng, ti-vi.
 
Tuềnh toàng vậy thôi, nhưng được cái căn phòng tôi ở nhìn ngay ra sông Nậm Rốm. Con sông nghe nói rất dữ về mùa lũ, nhưng vào những ngày đầu hè thì cạn nước, nhiều đoạn trơ lòng sông đầy cuội xám, cát đen. Trong tiếng Thái nậm nghĩa là nước; rốm là gỗ lát. Xưa kia, nơi đầu nguồn nước con sông này, là mênh mông cả một cánh rừng rốm (gỗ lát).
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Bác Hồ căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Đến sân bay Điện Biên Phủ hôm nay. (Ảnh: Hàm Châu)
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Tác giả bên hầm chỉ huy của tướng Pháp De Castries. (Ảnh: Lê Huy)
 

Là một cây bút tự do, không chức sắc, không bị bó buộc gì về lễ nghi, giờ giấc, tôi dễ dàng du lịch ba-lô, đi “phượt” thỏa thuê, thuê xe ôm đến tất cả những nơi nào mà tôi muốn đến trong vùng lòng chảo Điện Biên này, suốt những ngày ở lại đây. Anh lái xe ôm cho tôi tên là Sương, người Thái ở bản Ta Pô, từng đi bộ đội thời chống Mỹ. Sáng sáng anh ghếch xe đứng chờ tôi ở chỗ ngã ba “chợ Trung tâm”.

Ra giá phải chăng, không phóng nhanh vượt ẩu, anh đưa tôi đi khắp mọi nơi. Nào là đồi A1, Nghĩa trang bên đồi A1, Bảo tàng Điện Biên Phủ, cầu Mường Thanh, hầm tướng Pháp bại trận De Castries. Nào là đồi C1, đồi D1, cánh đồng Hồng Cúm, đền thờ Hoàng Công Chất, thành Sam Mứn (theo tiếng Kinh là thành Tam Vạn) ở phía nam Mường Thanh xây từ thế kỷ XV...
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ bên đồi A1. (Ảnh: Hàm Châu)
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Bên trong nghĩa trang đồi A1. (Ảnh: Hàm Châu)

Ngoài nghĩa trang liệt sĩ bên đồi A1, tôi còn đến thắp hương tại các nghĩa trang  khác trên đồi Him Lam, đồi Độc Lập; hai nghĩa trang này còn lớn hơn nghĩa trang bên đồi A1. Chỉ riêng tại Nghĩa trang đồi Độc Lập đã có tới 2.000 mộ liệt sĩ.

Rồi la cà đây đó, tôi nghỉ trưa trong bản Mển, bản Ta Pô, bản Pá Cáu, thưởng thức các món ăn Thái như nó héo chụp nhứa hù mu (măng chua phơi khô trộn tai lợn) hay cỏi súc, cỏi hít (gỏi chín, gỏi sống), nhứa mu chụp xổm lốm (thịt lợn trộn lá chua chát)...
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Nghĩa trang liệt sĩ trên đồi Độc Lập. (Ảnh: Hàm Châu)

“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Nghĩa trang liệt sĩ trên đồi Him Lam. (Ảnh: Hàm Châu)
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Trên chiếc xe tăng Pháp giữa chiến trường xưa. (Ảnh: Lê Huy)
 
 
Những năm gần đây, chính quyền thành phố Điện Biên Phủ giúp tiền cho một số bản xây nhà văn hoá cộng đồng; và còn giúp thêm tiền cho một số hộ trong bản xây toa-lét hiện đại mới toanh, đưa con em họ đi học các lớp dạy nấu ăn, dạy làm lễ tân, để có thể đón khách du lịch "Tây" đến lưu trú ngay tại ngôi nhà sàn Thái mộc mạc của mình.
 
Cũng chính nhờ chiếc xe máy Trung Quốc “giá rẻ như cho”, anh Sương mới có thể chở tôi đến được Mường Phăng, thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Từ lâu tôi đã muốn đến thăm di tích kháng chiến chống Pháp nổi tiếng này, nhưng trong mấy lần lên Điện Biên Phủ trước đây, đều không đến được vì thiếu loại xe ô-tô leo núi máy khoẻ như Land Cruiser. Lần này có xe ôm tiện quá! Đi, về ngót nghét một trăm ki-lô-mét đường lắm dốc nhiều đèo, liên hồi cua ngoặt, trong cái rét căm căm trên vùng núi cao mặc dù thời tiết dưới vùng đồng bằng đã bắt đầu chuyển sang hâm hấp nóng. Bên rìa đường, thỉnh thoảng lại gặp mấy bà, mấy chị người Thái bày bán củ hà thủ ô đỏ và các loại thuốc nam đào, hái được ngoài rừng.
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Đường về bản (Ảnh: Hàm Châu)
 
“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Bà mẹ trẻ người Thái bán túi thổ cẩm trên đường vào Mường Phăng. (Ảnh: Hàm Châu)


Nhiều đoạn đường đang được thi công mở rộng, đổ đá hộc lổn nhổn. Tôi phải xuống xe, đi bộ. Còn anh Sương thì hì hục dắt xe theo. Vất vả, hại xe, thế mà anh vẫn chỉ lấy tiền công rất rẻ. Anh bảo chính anh cũng muốn đến thăm “rừng Đại tướng” bởi vì anh đã từng là “lính của Tướng Giáp” thời đánh Mỹ.

Sở Chỉ huy xưa đặt dưới tán rừng cổ thụ mà đến nay vẫn chưa bị chặt phá do ý thức của người dân coi đây là chốn “rừng thiêng”, là mảnh “vườn nhà” phải giữ gìn, chăm chút. Bà con thường gọi khu rừng này là “rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng Tư lệnh quân đội ta thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp", gọi căn hầm, cái lán nơi Đại tướng làm việc là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Cách gọi trìu mến biết bao! Những tên gọi đã đi vào dã sử, huyền thoại.

“Rừng thiêng” ở Điện Biên
Đường trong "rừng Đại tướng". (Ảnh: Hàm Châu)

Các di tích gần đây đã được phục hồi. Tôi dừng lại hồi lâu trước cái lán và hầm xuyên núi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ căn hầm này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh, có thể trông rõ mồn một cánh đồng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...  

Theo con đường mòn rải đá cuội dưới tán rừng, tôi lần lượt đi thăm lán và hầm của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, lán và hầm của Ban Chính trị do đồng chí Lê Liêm phụ trách, rồi lán và hầm của các cố vấn Trung Quốc...
Nhiều người trong chúng ta đã biết, chính tại Sở Chỉ huy ở Mường Phăng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi tới “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của ông: thay đổi phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ông nhớ tới lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiễn ông ra trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Ông cũng nhớ một câu trong Nghị quyết của Trung ương Đảng ta hồi đầu năm 1953:“Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”.

Trung Quốc khác ta, nước bạn đất rất rộng, người rất đông; còn nước ta đất hẹp, người không nhiều. Sẽ là giáo điều nếu ta cứ máy móc rập khuôn chiến thuật “biển người” (nhân hải) của bạn. Lúc bấy giờ ta chỉ mới có sáu đại đoàn chủ lực. Hầu hết các đại đoàn đều có mặt ở Điện Biên Phủ. Bộ đội ta, cho đến lúc đó, chỉ mới đánh trận tiêu diệt chiến ở mức cao nhất là diệt gọn một tiểu đoàn địch tăng cường, trong công sự. Trong khi ở Điện Biên Phủ địch đóng tới 21 tiểu đoàn tinh nhuệ liên kết, cố thủ trong một tập đoàn cứ điểm bê-tông cốt thép, mạnh nhất Đông Dương.

Chủ lực ta lại chỉ quen đánh ban đêm ở địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng như giữa cánh đồng Mường Thanh, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng.

Bằng trực giác cũng như qua phân tích khoa học “lạnh lùng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến kết luận nếu “đánh nhanh”, ta sẽ thất bại, chịu tổn thất nặng nề, thậm chí “hết vốn”!

Vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch, nhưng ta phải thay đổi cách đánh. Và, như vậy, phải ra lệnh hoãn giờ phát hoả mở màn chiến dịch, cho bộ đội trên toàn mặt trận lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra! Để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn, thận trọng hơn.

Lui quân ngay giữa lúc toàn quân đang hừng hực khí thế muốn tiêu diệt ngay lập tức 16 nghìn quân địch, phần lớn là lính Âu - Phi tinh nhuệ tại tập đoàn cứ điểm này… “chỉ trong vòng ba đêm, hai ngày, bất chấp mọi tổn thất”!

Khó khăn biết chừng nào khi đành phải “giội gáo nước lạnh” lên những cái đầu đang nóng bỏng! Nếu không sẵn có uy tín vững chắc, thì rất dễ bị quy chụp là... "nhát gan", "bàn lùi"! 
******
 
Hơn nửa thế kỷ sau, tôi mới có dịp đến Mường Phăng, chầm chậm rảo bước trên lối mòn dưới tán rừng nguyên sinh vạn tuổi, cây cổ thụ cao vút, trầm mặc, uy nghiêm, để cố hình dung lại thật chi tiết, thật cặn kẽ, rồi suy ngẫm về phút giây Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đi tới quyết định sống còn, một quyết định đã được lịch sử xác nhận là tỉnh táo, sáng suốt, dẫn tới thắng lợi hoàn toàn của trận tiêu diệt chiến lớn nhất của dân tộc ta ở thế kỷ XX, một chiến công ngang tầm Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong lịch sử nghìn năm giữ nước. Trong lòng tôi bỗng như ngân vang ca khúc Có một khu rừng như thế của nhạc sĩ quân đội Doãn Nho:

Có một khu rừng như thế
Với người dân thắm thiết ruột rà.
Dân trìu mến gọi “rừng Đại tướng”
Sớm tối giữ gìn như mảnh vườn riêng...

Suốt cả đời mình gắn liền trận mạc,
Vẫn một niềm: mang ơn nhân dân...
Vị Tư lệnh tối cao quý từng giọt máu đào người lính.
Nên suốt đời được gọi Anh Văn...

Là vị võ tướng nhưng lại mang tên Văn. Anh Văn, cái tên thân thiết với bao chiến sĩ, bao “anh bộ đội Cụ Hồ”, bởi vì Anh là một người học trò gần gũi của Bác, một  nhà cách mạng giàu phẩm chất nhân văn...

Hàm Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm