1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rừng phòng hộ tại Quảng Trị bị chặt phá: Cần xử lý quyết liệt!

(Dân trí) - Sau quá trình kiểm tra thực địa, các ngành chức năng đều thừa nhận tình trạng xâm hại rừng phòng hộ tại 2 tiểu khu 678D và 688, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông-Hướng Hóa quản lý đã diễn ra thời gian vừa qua như phản ánh là đúng sự thật và cần được chấn chỉnh, xử lý quyết liệt hơn để ngăn chặn nguy cơ bị mất rừng.

Sau những thông tin phản ánh về thực trạng rừng tự nhiên phòng hộ bị các đối tượng lợi dụng đưa máy cưa vào tàn phá, “xẻ thịt” một cách ngang nhiên, trong ngày 2/3, các lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra hiện trường phá rừng tại tuyến đường km 32 từ Khe Van-Hướng Linh và tuyến km 52 từ Đakrông- Hướng Linh.

Cơ quan chức năng Quảng Trị kiểm tra hiện trạng rừng phòng hộ bị tàn phá

Trong đó, các ngành liên quan đã trực tiếp kiểm tra hiện trạng tại 2 tiểu khu 678D và 688, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông-Hướng Hóa có trách nhiệm quản lý. Đoàn kiểm tra đã tiến hành khảo sát thực tế việc rừng bị xâm hại, các cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ ngang nhiên. Các ngành chức năng đều đánh giá việc rừng tự nhiên phòng hộ bị tàn phá là đúng như những gì các cơ quan báo chí đã thông tin.

Những cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ còn lại gốc và bìa cây
Những cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ còn lại gốc và bìa cây

Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông xác nhận, tại khu vực thi công tuyến đường Khe Van- Hướng Linh (thuộc tiểu khu 664) có hiện tượng người dân phá rừng, cụ thể 65 cây rừng có đường kính từ 10- 65 cm bị đốn hạ, thuộc từ nhóm 5- nhóm 7; khu vực thủy điện Khe Nghi có 78 cây gỗ bị đốn hạ.

“Thời gian qua, dù đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm Đakrông mật phục, vây bắt nhưng không thể bắt được các đối tượng phá rừng. Các đối tượng liều lĩnh, bất chấp pháp luật, thậm chí có tình trạng đe dọa, phá hỏng phương tiện cán bộ bảo vệ rừng. Mới đây, một cán bộ bảo vệ rừng của đơn vị đã bị tử vong khi đang tuần tra trên rừng, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân”, ông Tý nêu.

Một gốc cây còn sót lại sau khi bị lâm tặc đốn hạ
Một gốc cây còn sót lại sau khi bị "lâm tặc" đốn hạ

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Trị cho hay: “Tại hai điểm đi thực địa đều cho thấy có hiện tượng phá rừng. Ở tuyến đường Khe Van- Hướng Linh qua kiểm tra, ghi nhận có 65 cây bị đốn hạ, tuy nhiên giá trị không cao. Tuyến Khe Nghi qua ghi nhận cũng đã xảy ra lâu rồi. Nhiều lần đã tổ chức lực lượng đẩy đuổi, ngăn chặn, họp dân, tuyên truyền nhưng hiện tượng phá rừng vẫn có chiều hướng gia tăng. Ban Quản lý rừng phòng hộ cũng đã nỗ lực nhiều, phối hợp với kiểm lâm tuần tra chốt chặn nhưng khi rời đi thì các đối tượng lại vào xâm hại rừng”.

Nêu lên các giải pháp hạn chế tình trạng phá rừng, ông Trung nói: “Hiện tại, đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời cử 1 tổ kiểm lâm cơ động lên phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đakrông ngăn chặn tình trạng phá rừng phòng hộ”.

“Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững cần phải tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người dân và chính quyền cơ sở. Đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh cấp nguồn kinh phí để giao khoán rừng cho người dân bảo vệ, hưởng lợi. Hỗ trợ cho dân có một vài sinh kế để nâng cao đời sống, hạn chế tình trạng phá rừng. Phải tăng cường chốt chặn, phối hợp những đơn vị kiểm lâm, công an, chính quyền sở tại để ngăn chặn tình trạng phá rừng”, ông Trung trình bày.

Bìa gỗ nằm ngổn ngang trong rừng
Bìa gỗ nằm ngổn ngang trong rừng

Đại diện các đơn vị cũng nêu lên một số khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hạt kiểm lâm Đakrông nói rằng, thời gian quan có phát hiện và bắt giữ nhiều vụ phá rừng, thu giữ nhiều khối gỗ do các đối tượng vận chuyển ra ngoài.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông Nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đánh giá: Trong quá trình thực hiện các dự án với mục đích chung để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, khi các tuyến đường mới được mở ra cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng vào phá rừng. Qúa trình kiểm tra thực tế cho thấy việc phản ánh của người dân, chính quyền, báo chí là đúng sự thật, tình trạng phá rừng có xảy ra.

Ông Hưng nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn nếu không sẽ mất rừng
Ông Hưng nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn nếu không sẽ mất rừng

“Nếu không có tổ chức, không quyết liệt, không có sự phối hợp chặt chẽ thì việc xâm hại rừng sẽ có nguy cơ rất cao. Đây là hiện tượng người dân và các đối tượng lợi dụng đưa máy cưa, xe máy vào phá rừng. Bất kỳ cây gỗ nào trong rừng phòng hộ cũng có giá trị, nếu không kiểm soát chặt sẽ có nguy cơ mất rừng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Rừng phòng hộ tại Quảng Trị bị chặt phá: Cần xử lý quyết liệt! - 5

Những thân gỗ bị cưa đốn mà các đối tượng chưa kịp xẻ phách
Những thân gỗ bị cưa đốn mà các đối tượng chưa kịp xẻ phách

Từ đó, ông Hưng yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông tiếp tục nắm bắt, đo đếm, đánh giá lại số lượng cây, diện tích rừng bị xâm phạm. Tham mưu cho ngành, chính quyền địa phương sở tại để có sự phối hợp chốt chặn. Tăng cường lực lượng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ rừng. Có phương án đảm bảo sinh kế cho người dân.

Đối với lực lượng Kiểm lâm, ông Hưng đề nghị phải tăng cường lực lượng chốt chặn, kiểm tra, bảo vệ rừng. “Tôi giao trách nhiệm cho Hạt kiểm lâm Đakrông, nếu để gỗ ra khỏi rừng thì các anh phải chịu trách nhiệm. Phải quyết liệt xử lý nghiêm, không bao che các đối tượng xâm phạm đến rừng. Về giải pháp bền vững, phải tiếp tục tạo sinh kế cho người dân, tuyên truyền vận động người dân về bảo vệ rừng”, ông Hưng nói.

Đăng Đức