1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bình Định:

Rừng phòng hộ gần chốt bảo vệ bị phá, nhân viên không nghe được tiếng cưa

Doãn Công

(Dân trí) - Gần 1,2ha rừng trồng phòng hộ thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) quản lý, bị tàn phá không thương tiếc để lấy đất trồng keo.

Ngày 21/2, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết đã nhận được báo cáo của kiểm lâm về việc rừng phòng hộ ở tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) bị phá và đang yêu cầu xử lý.

Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, vị trí rừng bị chặt phá tại lô 12 và 14 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý.

Rừng phòng hộ gần chốt bảo vệ bị phá, nhân viên không nghe được tiếng cưa - 1

Gốc sao đen hơn 10 năm tuổi bị cưa sát gốc, nằm ngổn ngang (Ảnh: Bình Định).

Tổng diện tích thiệt hại gần 1,2ha rừng phòng hộ, đây là rừng trồng hơn 15 năm tuổi. Cây rừng bị chặt phá chủ yếu là cây sao, có xen lẫn một số cây keo, cây có đường kính trung bình 16-30cm.

Số cây gỗ bị chặt phá trên còn nằm ngổn ngang ở hiện trường, chưa bị cắt ngọn và vận chuyển đi nơi khác.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, qua xác minh thông tin ban đầu, diện tích rừng bị phá do ông Đinh Ươn (ở làng 6, xã Vĩnh Thuận) thực hiện, mục đích là để lấy đất trồng rừng.

Rừng phòng hộ gần chốt bảo vệ bị phá, nhân viên không nghe được tiếng cưa - 2

Qua thống kê, có 165 gốc sao đen bị chặt phá (Ảnh: Bình Định).

Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện này làm rõ hành vi phá rừng của ông Đinh Ươn.

Trả lời báo chí, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, xác nhận vụ phá rừng trên được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phát hiện hồi tháng 1 và có báo cáo cho UBND huyện.

"Việc phá rừng diễn ra trong vòng 2 ngày, anh em ban quản lý rừng phòng hộ phát hiện nên đối tượng này đã dừng lại. Mục đích của việc phá rừng chỉ là lấy đất để trồng keo", ông Thông cho hay.

Rừng phòng hộ gần chốt bảo vệ bị phá, nhân viên không nghe được tiếng cưa - 3

Cây bị cưa hạ đường kính trung bình 15-30cm (Ảnh: Bình Định).

Cũng theo ông Thông, gần khu vực phá rừng có chốt bảo vệ rừng nhưng do diện tích quản lý rộng nên nhân viên trực chốt không nghe được tiếng cưa.

Do diện tích gần 1,2ha rừng trồng phòng hộ bị phá trái pháp luật đã vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên phải chuyển sang cơ quan công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Chúng tôi đang chờ việc giám định thiệt hại rừng từ trung tâm để có bước xử lý tiếp theo. Khi đầy đủ tài liệu, sẽ củng cố hồ sơ chuyển sang công an để khởi tố điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định", ông Thông nói.

Rừng phòng hộ gần chốt bảo vệ bị phá, nhân viên không nghe được tiếng cưa - 4

Lực lượng chức năng đã kiểm tra, ghi số cây rừng bị cưa hạ (Ảnh: Bình Định).

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng cho rằng, để xảy ra phá rừng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và kiểm lâm địa bàn.

"Xác minh bước đầu, không có việc thông đồng, ngó lơ cho đối tượng phá rừng. Trước mắt, huyện đã yêu cầu các cá nhân có liên quan có báo cáo kiểm điểm vì để mất rừng", ông Thông nói thêm.