Nghệ An:
Rùng mình khi “thăm” bãi rác thải của bệnh viện
(Dân trí) - Dù đã được đầu tư một lò xử lý rác thải y tế với công suất 5m3/ngày nhưng hiện tại quy trình xử lý rác thải của Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn (Nghệ An) vẫn gây ô nhiễm kinh hoàng, khiến người dân sống xung quanh hết sức bức xúc.
Người dân phản ánh hầu như ngày nào bệnh viện cũng đốt rác 2 lần vào sáng sớm và chập tối. Rác thải chất cao cháy âm ỉ qua đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ. Bên cạnh đó, vào mùa mưa nước thải từ bệnh viện theo nước mưa tràn vào khu dân cư khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nặng nề.
Có lẽ hố xử lý rác thải thủ công này chưa thể xử lý hết lượng rác thải của bệnh viện nên từng đống rác nhỏ được nhóm lại và đốt ngay tại khu vực vệ sinh dành cho bệnh nhân. Tại bể nước gần khoa ngoại của bệnh viện, rác thải vương vãi, từ rác sinh hoạt tới rác y tế. Không chỉ người dân xung quanh mà ngay cả cán bộ công nhân viên của bệnh viện cũng rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị lãnh đạo bệnh viện giải quyết sớm tình trạng này nhưng không có kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Khắc Anh - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nam Đàn - cho biết: “Việc xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường là có nhưng không thể làm khác được vì hiện nay bệnh viện đang trong quá trình nâng cấp cơ sở vật chất nên lò xử lý chất thải rắn tạm thời phải di dời lò đốt và cất vào kho. Trước đây bệnh viện cũng đã hợp đồng với bên vệ sinh môi trường thị trấn để chuyển rác thải của bệnh viện ra ngoài và tiến hành xử lý, tuy nhiên người dân không đồng ý cho đưa rác bệnh viện ra ngoài nên thôi. Hiện chất thải rắn bệnh viện đành phải tập trung vào một chỗ và tẩm xăng để đốt; còn chất thải lỏng chúng tôi gom vào bể phốt ở phía sau bệnh viện”.
Được biết, lò xử lý chất thải rắn của Bệnh viện đa khoa Nam Đàn có công suất xử lý 5m3 rác thải mỗi ngày do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Lò được xây dựng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Thế nhưng vào tháng 11/2009, bệnh viện tiến hành cải tạo dãy nhà 3 tầng và xây mới một dãy nhà ngay sát lò xử lý rác nên lò phải tạm thời ngừng hoạt động và được tháo dỡ cất vào kho. Còn toàn bộ chất thải lỏng (khoảng 3 khối mỗi ngày) được xử lý thủ công bằng cách cho vào hố chứa và tiến hành khử khuẩn.
Về việc rác đưa đi xử lý chưa được phân loại, ông Anh cho rằng việc phân loại và xử lý rác đã được giao cho y tá và hộ lý ở các khoa làm. Y tá trưởng của bệnh viện có trách nhiệm kiểm tra và điều hành việc thu gom và xử lý.
Bác sĩ Anh cho hay: “Việc nhóm và đốt rác không đúng khu vực quy định đã được lãnh đạo bệnh viện cấm tuyệt đối. Còn đối với việc chưa phân loại rác trước khi xử lý tôi sẽ cho người kiểm tra lại. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ bị cắt thi đua hàng tháng, cuối năm sẽ cắt danh hiệu lao động tiên tiến. Nếu vi phạm nhiều lần bệnh viện sẽ có hình thức kỷ luật”.
Khi được hỏi đến bao giờ mới có thể cải thiện được tình hình này, ông Trần Khắc Anh trả lời: “Phải đến tháng 9/2010 khi việc xây dựng cơ bản xong, lò xử lý chất thải rắn sẽ tiếp tục hoạt động trở lại, lúc đó mới có thể giải quyết được tình trạng trên. Còn đối với chất thải lỏng, hiện nay chúng tôi đang làm tờ trình gửi Sở Khoa học công nghệ và Sở Tài chính để xin giải ngân trước 1,5 tỷ đồng để thực hiện gói thầu số 9 (gói thầu công trình xây dựng bể phốt xử lý rác thải lỏng bệnh viện) và hiện vẫn đang đợi các Sở phê duyệt”.