1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia Lai:

Rừng bị “xẻ thịt chớp nhoáng”

(Dân trí) - Trên ngọn núi vùng đất đỏ (thuộc xã Chư Glong, huyện Kong Chro, Gia Lai), những gốc bằng lăng và cà chít đang còn ứa mủ bị lâm tặc xẻ thịt ngay tại rừng, hình thức khai thác “chớp nhoáng”, xẻ thành hộp rồi dùng trâu kéo xuống chân núi. Ở đây có đội xe máy độ đã chờ sẵn để chở đi tiêu thụ.

Phá rừng “chớp nhoáng”

Theo người dân trên phản ánh tại các xã Chư Glong, Chư Krêy (huyện Kong Chro) tình trạng phá rừng của các đối tượng lâm tặc rất ngang nhiên mà không bị lực lượng chức năng xử lý.

Để xác minh, chúng tôi đã theo chân một người dân trèo lên ngọn đồi đất đỏ (xã Chư Glong, huyện Kong Chro). Mặc dù ngọn đồi này nằm cách UBND xã Chư Glong khoảng 4km nhưng tiếng cưa lốc vẫn ngang nhiên “thét” vang trời.

Chạy dọc theo đường lên núi chúng tôi đã phát hiện rất nhiều cây gỗ đường kính khoảng 50cm được các đối tượng ken gốc để cây chết gần, số khác bị xẻ ngay tại rừng.

Theo lời người dẫn đường, “muốn đến ổ khai thác tập trung thì cứ theo dấu chân trâu là được…”.

anh 1

Nhiều cây bị gỗ bị ken cho chết dần

Lên tới đỉnh đồi đất đỏ chúng tôi đã chứng kiến từ 6-8 gốc bằng lăng nằm một cụm có đường kính 60-80cm bị đốn hạ và xẻ thịt ngay tại rừng. Những tấm bìa lớn nằm ngổn ngang trên núi đang chờ vận chuyển xuống.

“Tôi ở đây nhiều năm rồi, hình thức mà các nhóm lâm tặc dùng là đốn cây xuống và xẻ tại gốc. Sau đó dùng trâu kéo xuống chân núi và thuê người dân chở vài khúc một đến điểm tập kết. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì bảo xin gỗ về làm nhà, nếu có thu thì thu từng đó thôi…”, người dẫn đường nói.

Cũng nằm cách trụ sở UBND xã Chư Krêy (huyện Kong Chro) chừng 3 km, chúng tôi đã nghe thấy rõ tiếng máy cưa gầm rú. Sau đó là những âm thanh tiếng cây ngã rào rào. Ngụy trang chiếc xe máy vào bụi rậm rồi chúng tôi theo tiếng máy cưa “băng rừng” tìm đến tận nơi. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh hai người đàn ông đang thay phiên nhau dùng cưa máy cưa hết cây này đến cây khác.

anh 3

Những gốc bằng lằng hơn 80cm bị lâm tặc đốn hạ

Tiếng cưa gầm rú trong rừng

Ngay sau đó, PV tìm đến trụ sở UBND xã Chư Krêy để phản ánh thông tin. Ông Nguyễn Tường Khang, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong rừng có hai máy đang làm. Không phải riêng hôm nay mà họ đã làm nhiều ngày trước đó. Và đó, là hai hộ thuộc diện chính sách đã được xã cho phép. Hôm nay tôi đi họp nên không biết hiện tại họ có làm không và làm ở khu vực nào.

“Hiện tại, chỉ có hai hộ đang cưa gỗ trong rừng để về làm nhà. Bởi mấy hôm trước, họ đến xã xin vào khu vực rừng thuộc địa bàn quản lý của xã cưa ít gỗ về để gia cố lại nhà. Còn hôm nay, không biết họ có làm không, và làm ở khu vực nào cũng không rõ bởi hôm nay bận đi công tác", ông Khang cho biết thêm.

Để xác minh xem nhóm đối tượng đang cưa gỗ có phải hai hộ chính sách không, chúng tôi đã cùng đoàn gồm: Chủ tịch xã Chư Krêy, kiểm lâm địa bàn một lần nữa quay lại hiện trường. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì mà vị chủ tịch xã cam đoan. Tại hiện trường, bãi gỗ đang cưa tại rừng là nhóm người khác.

anh 1 (1)

Những cây gỗ tại xã Chư Krêy bị lâm tặc xẻ tại rừng

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Anh (Giám đốc Công ty MTV lâm nghiệp Ia Pa) cho biết, công ty nhận trách nhiệm quản lý rừng thuộc 3 xã Chư Glong, Chư Ray, Chư Krêy. Theo lời phóng viên phản ánh, tình trạng khai thác lâm sản trái phép chúng tôi đã nắm được tại xã Chư Glong.

Anh em địa bàn cũng đã đến hiện trường và đếm gốc cây bị chặt tại đồi đất đỏ (xã Chư Glong). Theo đó, số cây gỗ bằng lăng bị chặt là 8 gốc (nhóm III). Sau đó vài ngày, lực lượng lại phát hiện tiếp trên đồi đất đỏ có 19 gốc ca chít (nhóm IV) bị chặt tiếp. Hiện Công ty đã báo với kiểm lâm để tiến hành lập đoàn đi kiểm tra….

dscn3492

Những tấm bìa được xẻ ngay tại rừng rồi dùng trâu kéo xuống núi

Ông Ngọc Anh cũng cho biết thêm: “Còn thông tin tình trạng phá rừng trên địa bàn xã Chư Krêy thì thuộc địa bàn quản lý của xã… Nhưng công ty cũng sẽ phối hợp kiểm tra còn có phần nào của công ty bị khai thác trái phép không. Trên địa bàn, các đối tượng thường phá rừng một cách chớp nhoáng. Sau khi khai thác được thì sẽ phân người chở ra khỏi rừng để tránh lực lượng phát hiện…”.

Hình ảnh phá rừng tại đồi đất đỏ

Một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kong Chro cho biết: “Số gỗ tại xã Chư Krêy vì là người dân xin gỗ về làm nhà nên UBND xã Chư Krêy đã “linh động” cho vào rừng xẻ gỗ, nhưng không làm văn bản hay báo cáo…".

Vị này thừa nhận việc này là sai và coi như là gỗ khai thác trái phép.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm