Đắk Nông:
Rừng bị triệt hạ, cơ quan chức năng "chưa được báo cáo" (!)
(Dân trí) - Hơn 2ha rừng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Tại hiện trường, nhiều thân cây có đường kính lớn khoảng 60cm bị cưa ngang gần gốc, nằm ngổn ngang. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện lại "chưa nhận được báo cáo”.
Diện tích rừng bị phá nằm ở tiểu khu 1676 (thôn 9, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Trước đó, ngày 29/12/2015, UBND xã Trường Xuân đã làm hợp đồng giao khoán 60 ha rừng ở tiểu khu này cho 3 hộ dân ở thôn 9 quản lý, bảo vệ trong thời hạn 1 năm. Đến cuối năm 2016, kết thúc thời hạn giao khoán cho các hộ dân.
Ông Trần Đức Việt, một trong ba hộ dân đã nhận quản lý, bảo vệ rừng cho biết, sau khi hết hạn hợp đồng, họ đã đề nghị UBND xã Trường Xuân và ngành kiểm lâm làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Đồng thời ba hộ này cũng bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được nhận giao khoán chăm sóc, quản lý và bảo vệ diện tích rừng còn lại tại tiểu khu 1676.
Tuy nhiên, đã gần 8 tháng trôi qua, UBND xã Trường Xuân vẫn không làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Còn việc giao khoán cho các hộ dân quản lý, bảo vệ rừng thì cũng không thấy đả động gì.
Thấy nhiều cây rừng bị tàn phá nên người dân đã gọi điện thoại cho kiểm lâm địa bàn.
Trao đổi với ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, ông Thụy khẳng định không hề biết được sự việc này. Ông Thụy cũng không nhận được thông báo từ phía kiểm lâm địa bàn và lực lượng công an xã.
Chủ tịch xã Trường Xuân cho hay, do Ban Lâm nghiệp xã còn ít người, phần lớn lại kiêm nhiệm nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng lại thường tổ chức phá rừng vào ban đêm và những ngày cuối tuần, đây là thời điểm mà cán bộ Ban Lâm nghiệp xã nghỉ ngơi nên càng khó phát hiện.
Về việc tại sao không thực hiện thanh lý hợp đồng và tiếp tục gia hạn hợp đồng quản lý, bảo vệ diện tích rừng ở đây, ông Thụy lý giải là do xã không có kinh phí để tổ chức đo đạc, thống kê lại diện tích, trữ lượng rừng ở tiểu khu này để giao khoán lâu dài cho các hộ dân. UBND xã đã đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song hỗ trợ nhưng đến nay, vẫn chưa tiến hành được.
Phần lớn là những cây gỗ de, trâm, chò xót có đường kính lên đến 60 cm
Ông Thụy than thở, việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn xã thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả việc nắm bắt thông tin tình trạng phá rừng vẫn không kịp thời. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đo đạc lại và giao khoán lâu dài cho người dân.
Trong khi đó, khi được hỏi về thông tin rừng tại xã Trường Xuân bị tàn phá, ông Nguyễn Đình Dân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song ban đầu quả quyết, thời gian gần đây trên địa bàn xã Trường Xuân không xảy ra tình trạng phá rừng nào.
Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra thông tin, hình ảnh rừng nguyên sinh tại tiểu khu 1676 bị tàn phá nghiêm trọng, với diện tích khoảng 2 ha thì ông Dân mới gọi điện cho kiểm lâm địa bàn để hỏi sự việc. Lúc này ông Dân mới được thông tin biết là có vụ việc phá rừng xảy ra và cán bộ hạt đang lập biên bản hiện trường.
Được biết, diện tích rừng trên bị phá trong đêm ngày 19/8, diện tích rừng bị phá ở tiểu khu này là 1,67 ha. Trước đó, ngày 16/8, tại đây cũng xảy ra một vụ phá rừng với diện tích khoảng 0,4 ha. Các cây gỗ bị cưa hạ chủ yếu là de, trâm, chò xót.
Đặng Dương