1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hòa Bình:

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng, kiểm lâm “loay hoay” tìm thủ phạm

(Dân trí) - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình xác nhận, việc chặt phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông là có thật, số cây gỗ quý trong rừng bị chặt hạ đã được kiểm đếm, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục xác minh đối tượng khai thác rừng trái phép để xử lý.

Như báo Dân trí đã phản ánh, từ đầu năm 2019, tình trạng phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Sơn – Ngổ Luông thuộc địa bàn xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) diễn ra một cách ngang nhiên. Nhiều cây rừng cổ thụ thuộc loại gỗ quý (nhóm II) nằm trong vùng lõi, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng, kiểm lâm “loay hoay” tìm thủ phạm - 1

Những cây gỗ lớn trong KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông bị chặt hạ không thương tiếc.

Rừng già “chảy máu” trước sự bất lực của cơ quan chức năng bảo vệ rừng gồm BQL KBTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông và kiểm lâm tỉnh Hòa Bình. Các đối tượng khai thác gỗ trái phép chặt hạ các cây gỗ lớn, cưa xẻ thành từng mảnh đưa ra khỏi rừng, chỉ để lại mùn cưa, mảnh bìa, cành lá… Lúc này lực lượng bảo vệ rừng mới phát hiện vụ việc.

Theo báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, tình trạng rừng ngang nhiên bị chặt phá tại khu vực thung Đống Chơ, xóm Trên, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (Tiểu thu 217, khoảnh 5, lô 9) là có thật, vụ việc được phát hiện từ giữa tháng 1/2019, đến nay vẫn đang xác minh thủ phạm.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng, kiểm lâm “loay hoay” tìm thủ phạm - 2

Lực lượng bảo vệ rừng KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông đã kiểm đếm số cây rừng bị tàn phá, đến nay sau nhiều tháng vẫn đang truy tìm đối tượng phá rừng.

Theo đó, thời điểm trên Tổ Kiểm lâm địa bàn xã Tự Do phối hợp với Tổ tự quản xóm Trên tiến hành kiểm tra rừng trên tuyến từ xóm Trên đi thung Đống Chơ đến giáp ranh giới KBTTN Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Khi tổ đến khu vực thung Đống Chơ, phát hiện có 3 cây gỗ Chò mai bị đổ; tại hiện trường đối tượng để lại một cây đã bổ đôi bị rỗng ruột, 2 cây để lại phần ngọn và bìa bắp.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản, báo cáo Ban quản lý KBTTN và UBND xã Tự Do phối hợp xác minh đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Số lượng cây rừng bị chặt hạ tại khu vực thung Đống Chơ được kiểm đếm đều là gỗ Chò nhai và gỗ Trai (thuộc nhóm II). Có đến cả chục cây gỗ cổ thụ bị chặt hạ, đường kính gốc cây từ 40 – 90cm. Nhiều cây đã bị các đối tượng dùng cưa xẻ dọc thân, chế biến thành các miếng gỗ sau đó đưa ra khỏi rừng, tại hiện trường chỉ còn lại gốc cây còn “ứa máu”, mùn cưa, cành lá và các mảnh bìa…

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng, kiểm lâm “loay hoay” tìm thủ phạm - 3

Những cây gỗ lớn bị chặt hạ, sau đó "lâm tặc" cưa xẻ thành từng mảnh đưa ra khỏi rừng chỉ để lại cành lá, mảnh bìa, mùn cưa, gốc cây.

Trong quá trình xác minh vụ việc, BQL KBTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông phối hợp với KBTTN Pù Luông (Thanh Hóa) đã bắt giữ được một đối tượng người Thanh Hóa đang dùng cưa máy xẻ gỗ tại khu vực giáp ranh giữa hai khu.

Tại hiện trường nơi bắt giữ đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện 7 thanh gỗ dài 3m, dày 6cm, rộng 25cm, khối lượng 0,315m3 gỗ Trai. Số gỗ này là của cây gỗ chết khô được chặt hạ từ lâm phần KBTTN Pù Luông (Thanh Hóa) do địa hình núi dốc nên khi chặt hạ đã đổ sang lâm phần của KBTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng, kiểm lâm “loay hoay” tìm thủ phạm - 4

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Sỹ Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn thừa nhận, đơn vị được giao phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông. “Để xảy ra phá rừng trên địa phận xã Tự Do chúng tôi cũng thấy một phần trách nhiệm khi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời”, ông Bình nói.

Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 353/UBND-NNTN ngày 4/3/2019 về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng.

Thanh Bình – Đàm Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm