1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị:

Rừng bần chua, “bức tường” ngăn mặn, chắn sóng vững chắc vùng cửa sông

(Dân trí) - Trước những tác động tiêu cực của thiên tai cùng hiện tượng xâm nhập mặn tại vùng Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, cánh rừng bần chua hàng chục ha được hình thành, góp phần bảo vệ vững chắc các công trình thủy lợi, hạn chế xâm nhập mặn trước tác động của sóng và triều cường.

Vùng Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong là vùng đảo nhỏ, được bao bọc bởi 2 nhánh sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Hơn một thập kỷ trước, vùng đất này tồn tại những bãi sình lầy ngập mặn, sự khắc nghiệt của thiên tai, triều cường và xâm nhập mặn.

Rừng bần chua, “bức tường” ngăn mặn, chắn sóng vững chắc

Cứ sau những lần mưa lớn, nước từ 2 nhánh sông này đổ về kết hợp với triều cường, sóng biển dâng cao khiến xóm làng ngập trong nước. Tình trạng nhiễm mặn xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người dân. Sau mỗi lần lũ lụt, chính quyền phải huy động nhân công để đắp đê làm đường, ngăn mặn.

Rừng bần chua phát triển xanh tốt, tạo thành vành đai chắn sóng, bảo vệ hệ thống thủy lợi
Rừng bần chua phát triển xanh tốt, tạo thành vành đai chắn sóng, bảo vệ hệ thống thủy lợi

Trước thực trạng trên, vào năm 2009, được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của Trung ương với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng, rừng ngập mặn bằng cây bần chua được trồng dọc theo tuyến đê sông của xã đã tạo thành “bức tường” chắn sóng, ngăn mặn.

Từ khi rừng ngập mặn được hình thành, tuyến đê biển dài hơn 5 km được bao bọc bởi hơn 40 ha rừng bần. Rừng bần trở thành vành đai bảo vệ vững chắc trước mọi nguy cơ vỡ đê, hạn chế xâm nhập mặn trước tác động của sóng và triều cường. Bên cạnh đó, góp phần bảo vệ công trình thủy lợi, ruộng đồng, cải thiện môi trường sinh thái, tăng tính đa dạng sinh học.

Cây bần chua còn có tác dụng hạn chế xâm nhập mặn, ngăn sóng biển và triều cường
Cây bần chua còn có tác dụng hạn chế xâm nhập mặn, ngăn sóng biển và triều cường

Ông Nguyễn Văn Thành, người dân thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, cho biết: Trước đây, về mùa mưa bão rất sợ đê điều hư hỏng, thậm chí vỡ đê. Nhưng từ khi có rừng cây này đã phát huy lợi ích, đê điều được bảo đảm, đỡ xói mòn, chống vỡ đê. Ngoài ra, rừng cây còn phát huy tác dụng trong việc ngăn sóng, ngăn mặn.

Với nhiều dự án trồng rừng được triển khai, cho đến nay diện tích rừng ngập mặn đã thực sự phát huy hiệu quả tại một số địa phương ven biển trong việc chắn sóng, ngăn mặn, bảo vệ hệ thống đê điều và môi trường sinh thái được cải thiện.

Hệ thống rễ cây bám sâu dưới đất. Rừng bần còn góp phần tạo nên sự đa dạng sinh thái
Hệ thống rễ cây bám sâu dưới đất. Rừng bần còn góp phần tạo nên sự đa dạng sinh thái

Phát triển thêm diện tích rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thời gian gần đây, dự án Phục hồi và Phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải và sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với BĐKH (thực hiện 2015-2020) và dự án Xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị được triển khai thực hiện tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (thực hiện tháng 3/2017) với tổng quy mô các dự án lên đến gần 65 ha, do Chi cục biển, hải đảo và Khí tượng thủy văn Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Những năm gần đây, cây bần chua được trồng dọc các tuyến đê biển
Những năm gần đây, cây bần chua được trồng dọc các tuyến đê biển

Việc trồng thành công diện tích rừng ngập mặn nếu đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trên 85% sẽ tạo vành đai rừng ngập mặn bảo vệ đê sông, ổn định bãi, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn, tạo hệ sinh thái tự nhiên cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, khẳng định: Những vùng đất có ảnh hưởng thủy triều, điều kiện độ mặn và tính chất đất thì loại cây này rất phù hợp. Cây tạo nên vành đai chắn sóng, chống chịu trước thiên tai, khắc nghiệt, chống biến đổi khí hậu.

Đăng Đức