Bình Định:
Điều ít người biết về "bức tường" chắn bão cho làng chài
(Dân trí) - Làng chài ven biển Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) thường xuyên bị triều cường đe dọa, thế nhưng người dân nơi đây vẫn bám biển, an cư, nhờ "bức tường" là hàng cây tra sừng sững trước phong ba, bão tố, để chắn bão cho người dân làng chài...
Nhiều thế hệ người dân làng chài ven biển Trung Lương (thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến) đã sống chung với cảnh triều cường đe dọa khi mùa mưa bão đến.
Người dân ở đây cho biết, trận cuồng phong năm 1975 đã lấy đi nguyên cả lớp nhà sát mép biển. Cho nên, khi mùa mưa bão đến việc “chạy bão” trở thành cơm bữa. Những lúc như vậy, ưu tiên sơ tán người già, trẻ em và phụ nữ lên hàng đầu. Thế nhưng, người dân ở đây cũng cho biết, nếu không có hàng cây tra sừng sững đứng trước gió bão, bao bọc cho làng chài thì chẳng có ai dám bám trụ lại sinh sống.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, phó thôn Trung Lương, cho biết: “5 năm qua, triều cường uy hiếp làm sập và tốc mái cả 10 ngôi nhà, mỗi năm nước biển lại xâm thực vào một ít. Vì vậy, nỗi lo mất nhà, chạy bão vào mùa mưa vẫn luôn ám ảnh người dân nơi đây. Khi có mưa bão lớn, địa phương phải xuống vận động bà con đến nơi an toàn tránh trú bão. Có những năm triều cường tấn công phải huy động lực lượng của huyện, dân quân của xã cùng với địa phương và nhân nhân dùng bao xi măng chứa cát đắp để chắn triều cường”.
Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng nguy cơ bị triều cường uy hiếp, năm 2000, UBND xã Cát Tiến và ngành chức năng huyện Phù Cát còn xây dựng khu tái định cư mới cho 150 hộ dân có nguy cơ bị triều cường. Tuy nhiên, sau 16 năm chỉ khoảng 20 hộ chuyển đến nơi ở mới, còn phần lớn các hộ dân vẫn bám trụ, bất chấp hiểm nguy.
Ông Nguyễn Văn Lang (62 tuổi, thôn Trung Lương) cho biết: “Biết là ở đây nguy hiểm nhưng vì điều kiện khó khăn, không đủ tiền xây nhà mới nên người dân đành chấp nhận ở lại. Tuy nhiên, sở dĩ người dân bám trụ được ở đây suốt mấy chục năm qua là nhờ hàng cây tra cổ thụ che chắn gió bão, không thì nước biển đã xâm lấn sâu vào nhà cửa lâu rồi”.
Theo người dân vùng biển Trung Lương, cây tra chịu được môi trường biển, chịu gió mặn, đất cát, nắng nóng, khô hạn, bão tố, hiện tượng cát bay… nên loài cây này rất phù hợp cho các vùng ven biển. Cây tra cũng có thể trồng làm bóng mát cho các tuyến đường, làm cảnh quan cho các khu du lịch sinh thái ven biển.
“Vừa rồi, nhiều người đổ xô về thôn hỏi mua cây tra với giá 200-500 ngàn đồng/cây. Họ nói mua để trồng dọc biển khu du lịch, nghỉ dưỡng FLC (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) nhưng chúng tôi không chịu bán. Mấy chục năm qua, người dân làng chài Trung Lương bám trụ được nơi đây là nhờ hàng cây tra trước biển chắn gió bão, bảo vệ sự sống bình yên cho người dân” - bà Tám, thôn Trung Lương chia sẻ.
Cây tra không chỉ có tác dụng chắn cát, chắn gió bão, trái cây tra lúc còn xanh có vị chua và thanh chát, nhưng chín có vị chua ngọt, ăn rất thú vị. Mỗi mùa tra, người dân còn hái trái chín bán với 10.000 đồng/kg. Quả tra còn có thể làm mứt, ngâm rượu. Gỗ cây trị đái dầm, hạ nhiệt…
Người dân vùng biển Trung Lương gọi cây tra chính là cây nho biển (danh pháp hai phần: Coccoloba uvifera) là một loài cây gỗ lớn thuộc họ rau răm, bộ rau răm. Cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Cây gỗ lớn, cao từ 10-20m, thân cong queo, phân cành thấp. Tán lá rộng, lá đơn mọc cách, bóng, phiến tròn, gốc hình tim kích thước 12-15cm. Cây được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới.
Tại Việt Nam, cây được trồng nhiều dọc bờ biển Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận và một số các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhằm mục đích chắn gió, chắn cát…
Hơn 40 năm qua, người dân Trung Lương bám trụ được là nhờ hàng tra đứng trước biển chắn gió.
Doãn Công