1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thái Bình:

Rộn ràng với trò chơi Pháo đất ngày đầu xuân

(Dân trí) - Những ai đã từng được xem tận mắt trò chơi dân gian pháo đất (hay còn gọi là pháo nổ, pháo nang) ở xã Phú Lương (Đông Hưng) thì không thể không ấn tượng với trò chơi dân gian đã gắn bó với mọi người dân nơi đây hàng trăm năm qua.

Trò chơi truyền thống trong thời điểm nông nhàn

Theo lời của những cụ cao niên xã Phú Lương (huyện Đông Hưng, Thái Bình) trong một năm, xã có rất nhiều lễ hội, đi kèm đó là những trò chơi dân gian khác nhau.

Trong đó, tại hội làng Duyên Tục có trò chơi pháo đất kéo dài từ những ngày đầu xuân năm mới đến tận hết tháng 3. Có thể nói, đây là trò chơi sôi động nhất thu hút đông đảo người tham gia nhất, cả những làng xã khác cùng tham dự thi tài.

phao dat thai binh.jpg

Pháo đất là trò chơi sôi động nhất thu hút đông đảo người tham gia nhất, cả những làng xã khác cùng tham dự thi tài.

 

Nói về nguồn gốc ra đời của trò chơi dân gian này, người dân nơi đây tin rằng tục thi Pháo đất có từ thời Hai Bà Trưng. Tương truyền rằng, thời bấy giờ có một vị tướng cưỡi Voi đuổi giặc qua vùng đất này bị sa lầy. Dân làng thấy vậy liền ném đất khô xuống đầm lầy để Voi thoát lên, tạo ra những tiếng nổ lạ như tiếng sấm. Từ đó, mỗi khi nông nhàn người dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên hội thi pháo đất.

pha dat.jpg

Mỗi khi nông nhàn người dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên hội thi pháo đất.

 

Từ đó trong dân gian mới lan truyền câu đồng dao “Pháo nổ, pháo nang cả làng nghe thấy”. Không chỉ riêng Phú Lương mà ở nhiều nơi khác tại tỉnh Thái Bình cũng tổ chức hội thi Pháo đất. Càng ngày, trò chơi ngày càng được đầu tư kỹ lưỡng quy mô hơn, những đội thi sẽ tập trung lại để luyện tập với mong muốn đạt được kết quả cao.

Kỳ công nghệ thuật chơi Pháo đất

Theo người dân xã Phú Lương, làm pháo đất phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Ở mỗi khâu đều yêu cầu sự tập trung cao độ, tỉ mĩ, cẩn trọng. Đầu tiên, ở khâu lấy đất làm pháo phải đi mua đất từ làng Nguyễn (nay là Nguyễn Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Đất làm pháo là đất sét màu xám chì, có độ dẻo cao, ít dính tay, chân.

phao dat.jpg

Làm pháo đất cũng lắm kỳ công

 

Đất thô mua về sẽ được phơi khô, đập nhỏ. Sau đó giã lá gáo lọc lấy nước để nhào đất cho thật dẻo. Nước lá gáo sẽ giúp khử mùi tanh, hôi của đất và giúp màu đất trông đẹp hơn, thuần khiết hơn.

Sau đó, đất sẽ được lát thành những miếng mỏng, nhặt hết xơ, sạn rồi đưa qua vải lọc để loại bỏ hoàn toàn những cát sỏi, tạp chất. Quá trình lọc đất càng kỹ thì độ dẻo của đất càng cao, pháo làm ra càng đỡ bị nứt.

Để tiết kiệm chi phí, người dân xã Phú Lương nghĩ ra cách sau khi thi xong lại bọc đất lại, cho đất vào bao mang đến vườn, cạnh bờ ao nơi có độ ẩm cao để cất giữ.

phao dat 1.jpg

Khi người quăng nâng pháo trên tay là phút giây sôi động nhất với tiếng hò reo của cổ động viên, tiếng trống mỏ thôi thúc

 

Theo các cụ cao niên, xưa kia chỉ những người có chức sắc mới được đứng đầu dài pháo, nuôi con pháo (gồm người làm pháo và quăng pháo) trong nhà tập luyện để thi đấu. Mỗi làng thường lập ra một hoặc hai dài pháo với khoảng 15 người chuyên luyện tập các món nghề làm pháo, quăng pháo để thi đấu với các làng.

Trước mỗi hội thi, dân làng tổ chức hội tế trời ở chùa Duyên Tục. Sau phần lễ, phần thi Pháo đất sẽ bắt đầu. Khi có hiệu lệnh bắt đầu, những nghệ nhân của các đội sẽ trình diễn kỹ nghệ làm pháo tinh xảo của mình. Động tác đầu tiên chính là dùng ngón tay cái làm trụ giữa mê đất, ngón giữa xoay rồi dùng tay kia vừa giữ, vừa tuốt tạo thành thân pháo hình bầu dục, vừa vặn, vừa mốt mép pháo cho nhẵn, phẳng.

Khi phần mẹ hoàn thành, việc tạo phần con đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Dùng con trỏ làm cữ, tay kia vừa bấm đất vừa bắt ra hình con pháo như hình con rắn. Phần con rắn phía hông pháo phải to hơn một chút, càng ra ngoài càng thon và nhỏ dần. Độ to, nhỏ, dày, mỏng của con pháo có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả thi đấu.

phao dat tb.jpg

Để có được giải cao đòi hỏi các khâu làm đất, làm pháo, người quăng phải đạt được sự thuần thục, hoàn hảo

 

Pháo được làm xong, có hiệu lệnh, người quăng pháo bước vào vị trí. Người hộ tống đỡ hông pháo và nâng pháo đặt trên tay người quăng. Khi pháo rơi gây tiếng nổ, con pháo bung ra hai bên đập vào đà pháo làm bằng gỗ hoặc thềm gạch xảy thành đà. Người ta đo độ dài của con pháo quy ra để tính điểm cao, thấp. Trong cuộc thi, trọng tài thường có 3 người, 2 người cầm thước đo con pháo, 1 người tính điểm, ghi điểm.

Phần thưởng cho cuộc thi pháo đất tuy nhỏ nhưng là danh tiếng cho dài kia gắn liền với tên tuổi người đứng dài. Để có được giải cao đòi hỏi các khâu làm đất, làm pháo, người quăng phải đạt được sự thuần thục, hoàn hảo. Khi người quăng nâng pháo trên tay là phút giây sôi động nhất với tiếng hò reo của cổ động viên, tiếng trống mỏ thôi thúc.

Với người dân xã Phú Lương, đầu xuân năm mới mà thiếu đi tiếng nổ của Pháo đất thì như thiếu đi điều gì đó!

Đức Văn