1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng

(Dân trí) - Miếu Bà Chúa Xứ là một di tích nổi tiếng ở Núi Sam, Châu Đốc (An Giang), mỗi năm thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Mùa lễ hội sôi động ở núi Sam kéo dài suốt từ rằm tháng giêng đến rằm tháng tư âm lịch hàng năm.

Trong dịp lễ hội rằm tháng giêng năm nay, lẫn trong số các đoàn xe hành hương là gương mặt của các tiểu thương và giới doanh nhân đến từ nhiều doanh nghiệp lớn tại TPHCM.

Họ đến để trả lễ Bà.

 

Theo quan niệm của đa số giới tiểu thương hoặc thương gia làm ăn lớn tại TPHCM và các tỉnh lân cận, năm nào đến được Vía Bà “vay” tiền thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt. Tiền “vay” ở đây là tiền do mình chuẩn bị sẵn và nhờ bà chứng trước Chánh điện. Đến mùa trả lễ năm sau, sẽ lên “báo cáo” với Bà công việc kinh doanh làm ăn của năm đó, dù thành công hay thất bát.

 

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 1
 

Rước lễ bằng xe lôi.

 

Trong đợt rằm tháng giêng năm nay, Miễu Bà Chúa Xứ mở cửa đón khách hành hương 24/24h. Anh Phạm Thanh Minh, phụ trách trật tự khu vực Miễu Bà cho biết, năm nay lượng khách hành hương đổ về Vía Bà gấp đôi năm trước. Có thể do năm qua, nhiều người đã được hưởng lộc của Bà, làm ăn khấm khá nên năm nay lên trả lễ. “Cứ nhìn vào nét hoan hỉ trên gương mặt của khách hành hương là thấy được điều này”, anh Minh cho biết.

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 2
 

Tạ ơn Bà sau một năm làm ăn phát đạt.

 

Không chỉ có giới tiểu thương, doanh nhân mới đến Vía Bà vào dịp này, lễ hội còn thu hút rất nhiều Việt kiều, các bà nội trợ, những người gặp may trong năm mà cả người dân lao động có thu nhập thấp, muốn phát tài trong năm mới.

 

Hai giờ sáng, chúng tôi gặp anh Thành, một người vừa trúng đậm cổ phiếu trong năm qua, đang chuẩn bị một mâm cỗ đầy trước khu vực Chánh điện. Lễ trả ơn Bà của anh có một con heo quay nặng hơn chục cân, một đĩa trái cây, chục bông huệ trắng và một bộ hia mão. Anh nói năm ngoái nhờ “vay” được của bà một tỷ nên làm ăn rất khấm khá.

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 3
 

Số lượng người đi trả lễ rất đông, chứng tỏ năm qua

nhiều người nhờ lộc Bà mà làm ăn phát đạt.

 

Theo quan niệm của anh Thành thì đây không phải là một hoạt động mang tính chất mê tín mà là một phong tục rất thiêng liêng của người Nam Bộ, tỏ lòng biết ơn tới vị nữ chúa đã có công trấn giữ và là điểm tựa tâm linh cho những người đi mở cõi một thời.

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 4
 

Hoá vàng và chia lộc sau khi trả lễ.

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 5
 

Nhiều tiểu thương các chợ lớn ở TPHCM đi trả lễ Bà.

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 6
 

Lung linh Chánh điện.

 

Rộn ràng trả lễ thánh Bà tháng giêng  - 7
 

Những mảnh đời bất hạnh trên lối vào miếu Bà Chúa Xứ.

 

Theo tài liệu thu thập được, đến năm 1972, miếu Bà chúa Xứ được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy đông lang, tây lang, nhà khách... Bao bọc xung quanh là dạng kiến trúc mái cong, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995. Ban Quản trị lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại. Trường học được cải tạo thành nhà trưng bày đồ sộ, hài hòa với miếu.

 

Tượng Bà đặt giữa Chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng, kim tuyến lấp lánh. Khánh hành hương đã dâng cúng cho Bà hàng ngàn áo mão không sử dụng hết, có cái được đặt may từ nước ngoài trị giá vài cây vàng.

 

Tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6. Dáng người ngồi nghĩ ngợi, khoan thai, thuộc loại tượng thần Vít-nu có nhiều ở Ấn Độ, Lào, Campuchia. Đa số khách đến viếng thăm để dâng hương cầu tài, cầu lộc, thể hiện lòng tạ ơn Bà bằng nhiều hình thức: Cúng heo quay, cúng tiền, lễ vật lưu niệm hoặc các tiện nghi phục vụ cho miếu.

 

Các vật lưu niệm này quá nhiều, đã được Ban Quản trị đưa vào khu nhà lưu niệm để trưng bày. Tiền hỷ cúng hàng năm lên tới vài tỉ đồng, được dùng vào việc trùng tu, xây dựng lăng, miếu và phúc lợi xã hội như xây trường học, bệnh xá, đóng góp quỹ từ thiện, khuyến học...

 

Nhựt Lê