Rơi giấy tờ, gọi 04. 768 1808
Nếu bị mất giấy tờ, bạn hãy thử gọi đến số 768.1808 (Trung tâm Bưu chính liên tỉnh quốc tế khu vực 1). Biết đâu bạn sẽ có cơ may tìm lại được những thứ còn quý hơn tiền này mà không phải mất bất cứ khoản phí nào.
Đó là căn phòng nhỏ bé trên tầng 3, Trung tâm Bưu chính liên tỉnh và quốc tế khu vực 1, số 7- đường Phạm Hùng (Hà Nội).
Ông Nguyễn Duy Bản, trưởng phòng nghiệp vụ, khệ nệ bưng ra một bọc lớn gồm hàng trăm chiếc chứng minh thư, bằng lái xe, giấy đăng ký xe... và nói: Chưa đến cuối tháng mà đã được cả đống rồi. A! lại có hộ chiếu, thẻ rút tiền ngân hàng nữa kìa, những cái này biết trả về chỗ nào, nhà báo nhỉ?
Ông Bản giải thích với tôi về con đường vòng vo để những giấy tờ này "dạt" về đây. Khi người của Trung tâm đi "đổ" thùng thư ở khắp các điểm trong thành phố Hà Nội, bộ phận kiểm thư phân loại, nếu phát hiện những "rác thư", họ sẽ tập hợp lại và chuyển về bộ phận xử lý bưu phẩm vô thừa nhận. Những rác thư đó hầu hết là do bọn ăn cắp ném vào thùng thư. Sau đó bộ phận nghiệp vụ sẽ lên danh sách những người có tên tuổi, địa chỉ được ghi trên đó và gửi về cho họ theo chế độ thư bảo đảm.
"Có người mất bằng lái xe ô-tô, có người mất thẻ rút tiền, có cụ cán bộ lão thành mất hết cả huân huy chương, một túi đầy, đỏ chóe- ông Bản nhớ lại. Chúng tôi làm việc này đã bao nhiêu năm, hoàn toàn vì lương tâm nghề nghiệp, hoàn toàn bằng tiền của chúng tôi. Có những người nhận lại được giấy tờ, vật dụng bị mất cắp mà cứ ngỡ là đang nằm mơ.
Ngành công an phải là đầu mối!
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội mỗi tháng đã có 100-200 thứ giấy tờ được trả lại vào thùng thư. Như vậy trên cả nước sẽ có bao nhiêu giấy tờ bị xem là vô thừa nhận trong khi chủ nhân của chúng thì khóc dở mếu dở vì bị mất? Đã đến lúc bên cạnh sự nỗ lực của ngành bưu chính, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, và ngành công an phải là đầu mối.
Tôi hỏi ông Bản rằng nếu mỗi tháng ông nhận và gửi đi khoảng 100-200 thứ giấy tờ như vậy (cả đăng ký xe Spacy, Dylan như liệt kê dưới đây) thì ông nhận được bao nhiêu lời cảm ơn, bao nhiêu "quà cáp" ông Bản cười có vẻ hơi buồn: "Nếu không phải là gửi thư bảo đảm thì chúng tôi còn không biết rằng họ có nhận được hay không. Thư không bị trả lại là mừng rồi, anh ạ. Còn cảm ơn thì, cũng có vài lần gì đó...".
Hình như chính sự im lặng của những người "chịu ơn" khiến ông phải suy nghĩ. "Có lẽ họ tưởng là kẻ trộm trả lại, cũng nên...".
Ông Bản với tay lấy một cái phong bì thư dày cộm, đặt lên bàn, hai tay xoa vào nhau băn khoăn. Thư đóng dấu ngày 18- 4-2005, do ông gửi cho Lê Thị Kiều Tâm, phòng 404, tập thể Đại học Dược, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong đó có một "tài sản" lớn, gồm chứng minh thư, bằng lái xe, hai thẻ ATM... Lá thư đã vừa bị gửi lại, với dòng chữ "đã hỏi và phát đến phòng..., nhưng không có người nhận". Ông Bản bàn bạc với mọi người trong phòng hay là trả về các ngân hàng? Mọi người bàn đi tính lại mãi vẫn chưa quyết...
Giở mấy thứ giấy tờ của mấy ông Tây bị móc túi thì cả phòng lúng túng thật sự. Ông Bản xoay ngang xoay dọc tấm hộ chiếu, đọc tiếng Tây lõm bõm, tiếng được tiếng không: "Hộ chiếu của ông Erec, André, Glogowski, cao 1m79, người Pháp. Bằng lái xe của TS Muller, người Đức... thì gửi cho ai nhỉ? Về Bộ Ngoại giao nước mình hay về các Đại sứ quán? Còn giấy tờ của Ấn Độ cấp cho thân nhân ông Nguyễn M.Chu, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ: gồm con, Nguyễn Anh Tuấn, 17 tuổi, và bà Trần Thị Thu Hương? Biết gửi về đâu bây giờ? Hay chúng tôi cho đăng lên các báo để họ đến tìm"?
Cuộc trao đổi của họ không thể nào đi đến hồi kết, đơn giản vì không có chuyên môn thì ngay việc phân loại các giấy tờ đã khó, nói gì đến việc tìm con đường ngắn nhất để trả về chủ nhân. Đáng lo ngại nhất là những giấy đăng ký xe, việc làm của họ rất nhiều khi trở thành vô nghĩa vì khi nó đến được tay người chủ đầu tiên (có tên trong đăng ký) thì chiếc xe đã trải qua bao lần "sang tay" rồi...
Thế rồi, câu chuyện của chúng tôi lại xoay về hiện tượng giấy tờ bị mất tại sao lại được trả vào thùng thư. Hành động "lương thiện" cuối cùng của kẻ cắp chăng? Chúng bỏ vào những cái phong bì, không dán tem, thường buộc chằng bằng dây chun, có khi mỗi phong bì có cả chục giấy tờ của những người khác nhau. "Không phải lương thiện. Đấy là hành vi của bọn kẻ cắp nhằm làm giảm sự truy xét của công an , làm giảm nhẹ tội. Chúng làm một cách chuyên nghiệp, là chủ trương của băng nhóm...".
Câu nói đó của ông lãnh đạo phòng tài chính Trung tâm rất có lý, nhưng cá nhân tôi, một khi bị mất cắp, thì bất kể là hành vi lương thiện cuối cùng hay hành vi nhằm làm giảm nhẹ sự truy xét của công an, thì tôi vẫn mong chúng trả lại giấy tờ cho tôi qua đường bưu điện.
Theo Thể Thao & Văn Hóa