Đại biểu HĐND TPHCM:
Rau không sạch vào siêu thị, làm sao để tăng niềm tin của người dân?
(Dân trí) - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, việc rau không sạch núp bóng vào siêu thị có nguyên nhân từ phía người cung cấp dịch vụ và cả trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Ngày 8/12, các đại biểu HĐND TPHCM giành một ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp thường lệ cuối năm 2022. Theo biểu quyết của các đại biểu có mặt, Chủ tịch UBND TPHCM, Giám đốc Sở Công Thương và Chủ tịch UBND quận 6 sẽ trả lời chất vấn trong kỳ họp này.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, thông tin, trong buổi làm việc sáng, các đại biểu chất vấn là ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, về nội dung biến động chỉ số giá cả tiêu dùng năm 2022, giải pháp điều hành giá cả thị trường thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, việc quản lý thương mại điện tử và giải pháp bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo cung ứng của thị trường xăng, dầu.
Trong hơn một giờ, người đứng đầu ngành công thương tại TPHCM đã nhận được 15 câu hỏi từ 9 vị đại biểu HĐND thành phố. Các câu hỏi tại phiên chất vấn đi thẳng vào những nội dung trọng tâm, có ảnh hưởng sát sườn đến đời sống của người dân.
Trách nhiệm của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề, đời sống hiện đại khiến người dân thành phố quen thuộc với việc đi chợ trong các siêu thị, đặc biệt là các bà nội trợ. Tuy nhiên, niềm tin của người dân vào hệ thống phân phối này đã bị lung lay bởi một số vụ việc bất cập thời gian gần qua.
"Gần đây, có hiện tượng rau không sạch đi vào siêu thị, núp bóng rau sạch để tới tay người dân. Giám đốc Sở Công Thương suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp nào được đưa ra để tăng niềm tin của người dân đối với các điểm mua sắm", đại biểu HĐND TPHCM nêu câu hỏi.
Trả lời câu chất vấn trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm được TPHCM chú trọng ngay từ thời điểm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Thời gian qua, địa bàn ghi nhận các phản ánh về rau không sạch, không đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap nhưng vẫn dán nhãn để vào hệ thống phân phối.
"Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân người cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng quy định, cơ quan quản lý cũng chưa kiểm tra, giám sát kịp thời", lãnh đạo Sở Công Thương thừa nhận.
Giải pháp được đưa ra là thành phố đã chấn chỉnh, yêu cầu các kênh phân phối vào cuộc, kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong chọn đối tác, giám sát quy trình sản xuất cho đến khâu phân phối. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cũng tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, chợ truyền thống cùng các kênh phân phối khác.
"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thường xuyên làm việc, nhắc nhở các chuỗi hệ thống phân phối. Mặt khác, chúng ta cũng cần các quy định về tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc từ việc sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Hiện nay, chúng ta chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc", Giám đốc Sở Công Thương TPHCM bày tỏ.
Giá cả tăng nhiều hơn chỉ số lạm phát công bố?
Đại biểu Trần Hoàng Danh, Bí thư Quận ủy quận 12, đặt vấn đề, thời gian qua, TPHCM đã thực hiện tốt công tác điều hành giá cả, kiềm chế tốt lạm phát. Tuy nhiên, nhiều bà con cử tri vẫn phản ánh giá cả tăng cao so với thu nhập.
"Chỉ số lạm phát công bố ở mức rất thấp. Có vẻ hàng hóa dùng để định giá còn chưa tương đồng với giá cả thực tế. Sở Công Thương có đóng góp gì cho việc đo lường chỉ số lạm phát của địa phương và cả nước?", vị đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của ông Trần Hoàng Danh, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, để làm rõ về việc chỉ số giá cả chưa thuyết phục cử tri, sở cần sự hỗ trợ của các cơ quan thống kê. Tuy nhiên, công tác bình ổn thị trường đã có nhiều đóng góp cho việc kiềm chế lạm phát tại TPHCM thời gian qua.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ thêm, TPHCM có đặc điểm là nền kinh tế mở, sẽ là địa phương đón nhận đầu tiên những thuận lợi và khó khăn từ biến động trong nước và thế giới. Điểm tích cực là trong 20 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của địa phương luôn thấp hơn cả nước.
"Dĩ nhiên, trong rổ hàng hóa đánh giá chỉ số này có rất nhiều mặt hàng. Chúng tôi cũng ghi nhận nhóm lương thực, thực phẩm có sự biến động giá gia tăng do chi phí vận chuyển, giá xăng dầu tăng. Hiện nay, nguyên liệu đầu vào để sản xuất lương thực, thực phẩm tăng trung bình 30-50%, ảnh hưởng nhất định đến giá cả hàng hóa", lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM phân tích.
Giải pháp được đưa ra là ngành công thương thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận tín dụng, vốn vay. Các ngân hàng thương mại cũng xếp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng bình ổn vào nhóm ưu tiên tiếp cận vốn với lãi suất thấp.
Sở Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, kết nối cung cầu và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.