1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rau, củ, quả mùa sâu bệnh

Thời điểm giáp vụ, lại cao điểm sâu bệnh trên rau và các loại cây trồng, trên thị trường Hà Nội bắt đầu xuất hiện nhiều loại rau, củ, quả trái mùa, thậm chí có loại còn bán cả 4 mùa, mà theo khuyến cáo là tồn dư thuốc kích tích và bảo vệ thực vật cao.

Rau, củ, quả mùa sâu bệnh - 1
Nên cẩn trọng với các loại rau, củ, quả trái mùa hoặc có bề ngoài quá bóng mượt. (Ảnh minh họa: senmart.com)
 
Không kiểm soát được hết rau tỉnh ngoài đưa vào Hà Nội

 

5h sáng, chợ đầu mối Dịch Vọng đông nghẹt người chen chân. Các sọt rau xanh, quầy kinh doanh củ quả xếp đầy ra đường. Chỉ vào một xe chở hành hoa vẫn còn khá nhiều, tôi tò mò muốn biết nguồn gốc của nó ở đâu thì anh chủ hàng bảo: “Yên tâm đi, an toàn lắm, người ta còn mang vào bán ở quầy rau sạch nữa ấy chứ”.

 

Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết anh này chuyên mua buôn các loại rau gia vị từ Bắc Ninh chở về Hà Nội bán. Chợ đầu mối Dịch Vọng là nơi tập trung bán buôn nhiều loại rau, củ, quả nhất của Hà Nội. Nguồn rau chủ yếu là của các vùng trồng rau vốn nổi tiếng của Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

 

Nhiều nhất phải kể đến Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… Vào thời gian giáp vụ như hiện nay, khi sản lượng rau xanh, củ, quả của Hà Nội sụt giảm nghiêm trọng thì phần lớn rau xanh từ tỉnh ngoài xuất hiện trên thị trường Thủ đô, chưa nói là một số rau, củ, quả của Trung Quốc cũng tràn vào thị trường.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, qua điều tra tổng thể, sản xuất rau ở Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Như vậy, còn 40% rau xanh, củ, quả là phụ thuộc vào các tỉnh bên ngoài và nhập khẩu.

 

Đấy là rau nói chung, còn việc bao nhiêu phần trăm người tiêu dùng Hà Nội được sử dụng rau an toàn mới là vấn đề đặt ra cấp thiết trong thời gian tới. Bà Hoa khẳng định: “Do kiểm tra chặt chẽ, nhiều năm qua ở Hà Nội gần như không còn tình trạng sử dụng thuốc cấm để phun cho rau. Việc xảy ra ngộ độc cấp tính do rau cũng gần như không có”.

 

Tuy nhiên, đó là việc quản lý trên địa bàn Hà Nội cũ, còn với các địa phương mới sáp nhập thì việc quản lý quy trình sản xuất rau đảm bảo chất lượng hiện nay đang được bắt đầu. Theo bà Hoa thì khó nhất hiện nay là không kiểm soát hết được nguồn gốc rau từ các địa phương lân cận đưa vào Hà Nội. Hàng ngày có hàng nghìn tấn rau, củ từ khắp nơi đưa vào thị trường Thủ đô. Do vậy, đây vẫn là mối lo lớn cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

 

Muốn biết địa chỉ rau an toàn, hãy gọi điện đến đường dây nóng!

 

Theo khuyến cáo của Chi Cục trưởng BVTV, mùa này là mùa cao điểm sâu bệnh trên rau và các loại cây trồng khác trong năm do thời tiết ấm, độ ẩm cao, mức độ sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn.

 

Thời gian này các bà nội trợ phải cẩn trọng trong việc chọn lựa rau an toàn cho gia đình mình. Nhưng làm thế nào để biết đâu là rau an toàn trong khi nhiều người lo ngại chính những địa điểm kinh doanh rau an toàn cũng không đảm bảo?

 

Hà Nội có trên 100 cửa hàng kinh doanh rau an toàn, lượng rau an toàn bán ở các cửa hàng này rất nhỏ so với nhu cầu. Rau an toàn giá thành cao hơn rau thường vì sản xuất rau an toàn ngay ở khâu sản xuất trên đồng ruộng đã tăng từ 10 đến 20% chi phí và nhân công, ngoài ra còn công thêm chi phí quản lý  nên chỉ số ít người tiêu dùng lựa chọn. Một số cửa hàng kinh doanh rau an toàn mở ra lại phải đóng cửa.

 

Theo bà Hoa thì thời điểm này, người tiêu dùng nên mua rau phải có nguồn gốc xuất xứ, tốt nhất nên mua rau an toàn ở các cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận vì ít nhất còn có sự kiểm soát.

 

Nếu thấy nghi ngờ cửa hàng nào bán rau không an toàn hoặc muốn biết cửa hàng rau nào an toàn để mua, hãy gọi điện đến đường dây nóng của Chi cục BVTV Hà Nội theo số: 04.38348389, cán bộ của Chi cục sẵn sàng cung cấp địa chỉ bán rau an toàn đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

 

Bà Hoa cho biết, cách quản lý tốt nhất lúc này vẫn là tăng cường công tác giám sát sản xuất, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Để bảo vệ mình, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong chọn lựa, nhất là không nên sử dụng rau, củ trái mùa; nên chọn rau bề ngoài không quá bóng mượt, củ quả cuống còn tươi.

  

Theo Trần Hằng

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm