1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bạc Liêu:

Rào cầu chống dịch

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Huyện Vĩnh Lợi là cửa ngõ vào tỉnh Bạc Liêu từ hướng tỉnh Sóc Trăng, địa phương này đang căng mình phòng, chống dịch, siết chặt việc qua lại giữa 2 tỉnh.

Một xã "nguy cơ cao" giáp ranh với Sóc Trăng

Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, huyện là địa bàn cửa ngõ của tỉnh Bạc Liêu. Trong 8 đơn vị cấp xã thì có 5 xã giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng, chiều dài hơn 47 km.

Qua đánh giá chung của ngành chức năng, có 7 xã trạng thái "bình thường mới" (vùng xanh) và một xã "nguy cơ cao" là xã Châu Hưng A. Huyện đang thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" với địa bàn giáp ranh tỉnh bạn.

Từ ngày thực hiện đợt giãn cách thứ 3 (ngày 16/8) đến nay, đã phát hiện 4 trường hợp từ huyện Thạnh Trị "lén" qua xã Châu Hưng A với nhiều lý do. Có người qua nói là đi... xem bói.

Rào cầu chống dịch - 1

Rào cầu, ngăn việc đi lại giữa 2 địa bàn. Trong ảnh: Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu khảo sát tuyến giáp ranh giữa huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) và huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng).

Một trong những xã có chiều dài giáp ranh dài nhất là xã Hưng Thành. Ông Nguyễn Thanh Nhường, Bí thư xã Hưng Thành, cho biết xã giáp với huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng, dài khoảng 20 km.

Ngoài tuyến đường bộ chính đã lập chốt kiểm soát và bến đò ngang ngưng hoạt động, còn có đường mòn lối mở qua 3 cầu xi măng, 4 cầu khỉ, 13 đò dọc.

"Xã đã rào lại cầu xi măng, vận động dân dỡ luôn nhịp giữa cầu khỉ, vận động dân hoạt động dò dọc không đưa qua lại, có hộ kéo luôn đò lên bờ", ông Nhường cho biết.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Hận cho rằng, địa bàn giáp ranh nhiều, việc đóng chốt, rào chắn cầu chỉ ngừa được người đi đường chính, chứ khó quản hết cả tuyến giáp ranh dài. Do đó, huyện nên thành lập tổ tuần tra lưu động để phòng ngừa, kịp thời phát hiện người qua lại địa bàn.

Không thể lơ là

Trực tiếp khảo sát tuyến giáp ranh của huyện Vĩnh Lợi vào chiều 19/8, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho rằng lực lượng ít, địa bàn rộng nhưng cơ bản đến nay huyện đã phòng, chống dịch tốt, chưa có ca mắc nào trong cộng đồng.

"Tôi đánh giá cao các lực lượng chức năng địa phương đã hy sinh việc cá nhân vì việc chung", bà Ái Nam ghi nhận.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn nguy cơ rất lớn, do đó, bà Lê Thị Ái Nam đề nghị địa phương cửa ngõ này không chủ quan, lơ là, phải đặt phòng, chống dịch lên hàng đầu. Bảo vệ sức khỏe người dân tốt thì mới làm được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt.

Rào cầu chống dịch - 2

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, đề nghị địa phương phải siết chặt việc qua lại của người dân 2 địa bàn để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.

"Chúng ta phải đặt ra mục tiêu là phấn đấu "vùng xanh" hết thì cần siết chặt địa bàn giáp ranh, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch như tự giác bảo vệ sức khỏe của mình, báo tin người về từ vùng dịch, giám sát người cách ly tại nhà. Người dân ý thức tốt thì mới giữ vững địa bàn...", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu lưu ý.

Bà Lê Thị Ái Nam cũng đề nghị địa phương triển khai xét nghiệm sàng lọc, ưu tiên xã nguy cơ cao, địa bàn giáp ranh với tỉnh có vùng dịch, chợ truyền thống, công ty có công nhân lao động. Bên cạnh đó quan tâm chăm lo chu đáo cho lực lượng tuyến đầu chống dịch vì đây là lực lượng rất vất vả.

"Sau khi kết thúc giãn cách đợt này (ngày 22/8), đề nghị ngành y tế đánh giá lại tình hình 5 xã giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng. Từ đó, các xã tùy điều kiện của mình mà cân nhắc xem xét có giải pháp phòng dịch phù hợp, hiệu quả", bà Nam yêu cầu.