1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Rắc rối quanh những “hố tử thần” trên đường

(Dân trí) - Thời gian gần đây, TPHCM liên tiếp xuất hiện các “hố tử thần” sau những cơn mưa lớn. Đáng báo động hơn, đã có tai nạn xảy ra từ những “hố tử thần” này.

Liên tiếp xuất hiện “hố tử thần” sau mưa

 

Ngày 14/9, một chiếc hố rộng gần 20, sâu 2m đã bất ngờ xuất hiện trước nhà số 386 Lê Văn Sĩ (quận 3) “nuốt chửng” chiếc taxi 7 chỗ. Ban đầu chiếc taxi chỉ bị sa lầy, sau đất chuồi dần và hố ngày càng sâu, chiếc taxi cắm hẳn đầu xuống hố trước ánh mắt bất lực của tài xế.

 

Rắc rối quanh những “hố tử thần” trên đường - 1

Taxi cắm đầu xuống hố (ảnh: P.T)

 

Trước đó 2 tuần, cũng tại vị trí này đã xuất hiện một hố sâu rộng khoảng 2m. Sau khi được người dân báo, đơn vị thi công đem đất đến lấp tạm. Đến cơn mưa ngày 14/9 thì lại xảy ra sự cố trên.

 

Sau khi xác định được biết vị trí xuất hiện 2 “hố tử thần” trên là vị trí đào đường thi công cống thoát nước của dự án Vệ sinh môi trường nước (lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) do nhà thầu liên danh Dreco - Cienco 5 thi công. Khi đào đến đây đường cống vướng cáp ngầm điện thoại nên công trình phải tạm ngưng.

 

Trong khi chờ thỏa thuận di dời cáp điện thoại, nhà thầu tái lập tạm mặt đường để giải phóng rào chắn nhưng lưu lượng xe cộ quá đông tác động lên phần đường tái lập này làm hỏng cống thoát nước cũ bên dưới, đất chuồi vào cống và xuất hiện “hố tử thần”.

 

Sau cơn mưa lớn chiều ngày 1/8, mặt đường ngã tư Phú Nhuận (giao lộ Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng, TPHCM) cũng bị sụp một hố sâu hơn 2m, đường kính chừng 3m. Sau khi Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) điều tra đã xác định nguyên nhân của sự cố sụt lún này cũng là do thi công lắp đặt cống thoát nước. Công trình này cũng thuộc dự án Vệ sinh môi trường nước do Tổng công ty Xây dựng số 1 thi công.

 

Trong khi chờ đấu nối với đoạn cống trên đường Nguyễn Kiệm, do yêu cầu giải phóng rào chắn, mở rộng lòng đường cho xe cộ lưu thông, nhà thầu đã xây một bức tường bằng gạch chắn miệng cống rồi đổ đá tái lập tạm mặt đường. Sau cơn mưa chiều ngày 1/8, lưu lượng xe lại quá đông, bức tường này không chịu nổi áp lực từ phía trên đã sụp đổ khiến phần đá lấp tạm hố thi công đổ thẳng vào lòng cống, mặt đường sụp xuống tạo nên hố sâu trên.

 

Rồi sự cố ngày 13/9 trên đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh), sự cố tại hẻm 368 trên đường Lê Văn Sĩ (quận 3) ngày 28/8, sự cố cuối tháng 7 tại ngã tư Phạm Văn Hai - Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)… Có thể nói mùa mưa năm nay TPHCM xuất hiện khá nhiều “hố tử thần” với kịch bản tương tự nhau.

 

Rắc rối quanh những “hố tử thần” trên đường - 2
Các “hố tử thần” xuất hiện với kịch bản tương tự như trên

 

Sở GTVT “bất lực” với nhà thầu

 

Sau sự cố ngày 1/8, nhà thầu đã bị xử phạt. Sau sự cố ngày 14/9, chủ đầu tư dự án cũng đã có báo cáo nhận trách nhiệm. Nhiều người còn có ý kiến nên kiện chủ đầu tư, kiện cả đơn vị quản lý (Sở GTVT)… Tuy nhiên, điều cốt yếu là làm sao ngăn chặn những “hố tử thần” tiếp theo xuất hiện?

 

Nếu rà soát tất cả các sự cố trên có thể thấy đặc điểm chung là đều là những hố thi công đang lấp tạm thời, hoặc vừa tái lập nhưng không đạt yêu cầu. Như vậy, nguyên nhân chính là do nhà thầu thi công cẩu thả. Chính các chủ đầu tư, đơn vị quản lý cũng xác định điều này.

 

Nhưng công việc của nhà thầu chỉ là thi công, còn trách nhiệm chính là của chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải đôn đốc và quản lý họ thi công đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy cả chủ đầu tư lẫn đơn vị quản lý không thể… “quản” nhà thầu, có thể nói là “bất lực” với nhà thầu.

 

Chuyện đào đường không lấp, có lấp thì làm cẩu thả… của nhà thầu thi công công trình đào đường trên địa bàn TP có lẽ là câu chuyện đã được nói đi nói lại nhiều lần, nhưng nó vẫn xảy ra mà Sở GTVT dường như không có cách nào ngăn chặn.

 

Dù Sở GTVT đã đề ra rất nhiều biện pháp như ghi hình mặt đường trước khi bàn giao cho nhà thầu để đối chiếu với mặt đường sau khi tái lập, quy định chi tiết mức phạt cho từng lỗi nhỏ khi thi công, buộc nhà thầu ký quỹ 100% kinh phí tái lập mặt đường… nhưng vẫn không hiệu quả. Nhà thầu vẫn vô tư vi phạm và vô tư ký biên bản chịu xử phạt nhưng… không nộp.

 

Chuyện “không chịu nộp phạt” này cũng đã xuất hiện từ lâu. Hầu như năm nào Thanh tra Sở GTVT cũng có văn bản “phàn nàn” với chủ đầu tư, Sở GTVT… nhưng rồi “đâu lại vào đó”. Như năm nay, Thanh tra Sở GTVT cũng vừa có văn bản “tố cáo” hơn 400 nhà thầu nợ gần 8 tỷ đồng tiền xử phạt mà không chịu nộp từ tháng 3/2008 đến nay.

 

Biện pháp mạnh tay nhất mà Sở từng áp dụng là cấm hẳn 3 nhà thầu thường vi phạm khi thi công đào đường không được tham gia thi công các công trình có vốn ngân sách trên địa bàn TP trong vòng 2 năm.

 

Tuy nhiên, 3 nhà thầu trên chỉ là 3 nhà thầu nhỏ. Vừa qua, Thanh tra Sở đề nghị cấm thêm 6 nhà thầu, trong đó có vài “ông lớn” thì Sở lại ngại ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

 

Vậy là trong khi Sở GTVT còn đang “bất lực”, chưa có giải pháp khả thi, người dân ra đường khi trời mưa to, gió lớn ngoài việc coi chừng cây đổ xuống đầu còn phải cẩn trọng với “hố tử thần” dưới chân.

 

Tùng Nguyên