1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải Phòng:

Rắc rối chuyện hỗ trợ GPMB dự án mở rộng sân bay Cát Bi

(Dân trí) - Công tác kiểm kê tài sản không hợp lý dẫn đến việc chi trả hỗ trợ dân để giải phóng mặt bằng trở nên nan giải. Người có ít được đền nhiều, người có nhiều được đền ít. Vì thế người thừa đi trả, người thiếu đi đòi, gây bức xúc trong dư luận.

Sư đoàn làm sai nguyên tắc, dự án chậm tiến độ

Tháng 4 năm 2011, Bộ Quốc phòng có thông tư 67 “nghiêm cấm các đơn vị quân đội chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác; cấm cho thuê làm kho tàng, bến bãi, nhà xưởng…; cấm cho mượn, phát canh thu tô; cấm dùng quyền sử dụng đất để thế chấp, góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế". Tuy vậy, Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) sân bay Kiến An - Cát Bi (thuộc Sư đoàn 371, Bộ Quốc phòng) vẫn tự ý cho thuê đất quốc phòng. Hệ lụy của việc này là khi dự án mở rộng sân bay Cát Bi được triển khai, việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp quá nhiều khó khăn.

UBND quận Hải An cho biết, tiểu đoàn này đã tự ý cho 26 hộ dân phường Thành Tô, quận Hải An, TP Hải Phòng thuê để nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi sản xuất trên đất quốc phòng. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đang gặp sự cản trở từ 5 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ vì cho rằng phương án đền bù của sư đoàn 371 không thỏa đáng. Năm hộ dân này đã mang đơn đi kiện đòi sư đoàn phải chi trả hợp lý hơn.

Ông Phạm Văn Hưởng, Chủ tịch UBND quận Hải An, trong buổi làm việc với PV Dân trí cho biết, sư đoàn 371 phải chịu trách nhiệm hỗ trợ cho những hộ dân liên kết với sư đoàn. Quận chỉ giúp sư đoàn giải phóng mặt bằng. Vì thế khi kiểm kê, định giá tài sản trên đất, UBND quận Hải An chỉ làm việc với sư đoàn.

 PV Dân trí liên hệ với sư đoàn 371 để làm rõ sự việc nhưng ông Nguyễn Thái Thịnh, tiểu đoàn trưởng bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An - Cát Bi ( người đứng tên đại diện trong việc ký hợp đồng liên kết với dân trước đó) từ chối với lý do "đơn vị đã làm việc với UBND quận Hải An. Trách nhiệm chúng tôi không liên quan".

Người dân thắc mắc cái đầm to thế này mà đơn vị cũng không nhìn thấy để kiểm kê cho dân?
Người dân thắc mắc cái đầm to thế này mà đơn vị cũng không nhìn thấy để kiểm kê cho dân?

Được biết, ngày 1/8/2013, Tổ công tác liên ngành của thành phố Hải Phòng đã có báo cáo số 01/BC-TCT nêu rõ nguồn gốc đất đai, quá trình sử dụng đất, quá trình hình thành tài sản trên đất và hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng tài sản trên đất của sư đoàn 371 và sư đoàn 363. Từ việc làm sai của hai sư đoàn này, các công trình xây dựng theo hợp đồng trên đất của sư đoàn 363 và sư đoàn 371 từ sau ngày Thông tư 67 có hiệu lực sẽ không được bồi thường, không được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo hồ sơ và báo cáo của hai sư đoàn trình UBND thành phố và đơn vị cấp trên thì: quá trình hình thành các đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân được hình thành từ những năm 1980 – 1990. Người dân đã sản xuất tại đây từ trước khi đất được quyết định bàn giao cho các đơn vị quân đội và duy trì liên tục đến nay, tài sản đầu tư trên đất là có thật, đang tồn tại trên đất. Khi quyết định giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý, các hộ dân chưa được bồi thường, hỗ trợ; điều kiện sống của các hộ dân gặp khó khăn khi phải chấm dứt hợp đồng với các đơn vị quân đội. Hai đơn vị quân đội chủ sở hữu đất đã có báo cáo giải trình và đề nghị hỗ trợ tài sản trên đất để đơn vị có kinh phí hỗ trợ những hộ dân đã ký hợp đồng với đơn vị. Việc thu hồi mà không hỗ trợ là không phù hợp thực tiễn, có thể sẽ gây ra khiếu kiện từ những hộ dân đã ký hợp đồng với đơn vị sử dụng đất.

Vì những lý do trên, UBND thành phố đã đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị UBND thành phố áp dụng chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất của hai sư đoàn.

Trong văn bản của thành phố Hải Phòng ban hành ngày 13/8/2013 nêu rõ: "Thành phố không hỗ trợ riêng cho trường hợp đơn vị quân đội ký hợp đồng với dân. (...) Thành phố áp dụng chính sách hỗ trợ các đơn vị để các đơn vị hỗ trợ cho các hộ dân.

Dân kiên quyết đòi tài sản bị kê khai thiếu

Tại buổi đối thoại ngày 26/11 giữa 5 hộ dân với sư đoàn 371 và UBND quận Hải An, 5 hộ dân bức xúc cho rằng đơn vị chi mức hỗ trợ cho dân không đúng. Hiện 5 hộ này đã bàn giao từ 80 - 100 % mặt bằng nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ. Thậm chí mức hỗ trợ của sư đoàn 371 chỉ bằng 20% mức tài sản họ đang có.

Ông Nguyễn Đình Anh, 1 trong 5 người dân chưa nhận tiền hỗ trợ, nêu ý kiến: "Nhà tôi nuôi trồng thủy sản trên diện tích nước ngọt và trồng cây ăn quả trên diện tích đất nhưng tại sao không được hỗ trợ, trong khi nhà khác lại được đền bù?". Ngược lại trường hợp bà Nguyễn Thị Tươi thì cho hay, diện tích bờ đầm của bà chỉ dài có 7 mét nhưng lại được phê duyệt phương án hỗ trợ lên hàng chục mét, như thế là thừa với thực tế. Trong khi ngôi nhà bà cần được hỗ trợ thì đơn vị không trả. "Như thế là không chính xác, không khách quan, thiệt thòi cho dân quá", bà Tươi nói.

Đối thoại với 5 hộ dân 

Buổi đối thoại giữa sư đoàn 371 và 5 hộ dân 

Tại buổi đối thoại, ông Hồ Chí Bắc, Phó Chủ tịch UBND quận Hải An, kết luận, việc Tiểu đoàn ký hợp đồng với các hộ dân trong diện tích quy hoạch xây dựng sân bay là “Hợp đồng không có giá trị pháp lý” vì đơn vị Tiểu đoàn BĐKT sân bay Kiến An - Cát Bi không chấp hành Thông tư số 67 của Bộ Quốc phòng. Ông Bắc yêu cầu, chậm nhất đến ngày 29/11, Tiểu đoàn phải gặp gỡ, đối chiếu, thống kê với từng hộ dân về những tài sản, vật kiến trúc, phương pháp, cách tính toán còn thiếu (nếu có) nhanh chóng hỗ trợ tiền cho các hộ dân, đảm bảo đúng tiến độ của dự án.

Thu Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm