1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rác không còn là chuyện... “rác rưởi”

Sự cố rò rỉ ở bãi rác Gò Cát, gây mùi hôi thối cho cả khu vực đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo: không thể chủ quan với rác! Lượng rác sinh hoạt của TPHCM hiện đã đạt đến con số khoảng 5.000 tấn/ngày.

Quá tải và nhiều trục trặc

 

Đấy là điều đang xảy ra ở các bãi rác hiện có của TPHCM. Bãi rác Gò Cát, quận Bình Tân với tổng diện tích khoảng 25 ha, trong đó có 17,5 ha dành cho chôn lấp rác và đang phải tiếp nhận 3.000 - 3.500 tấn/ngày. Theo thiết kế ban đầu, công suất nhận rác của bãi Gò Cát chỉ khoảng 2.000 tấn/ngày, nhưng do lượng rác của thành phố tăng lên quá nhanh trong khi các bãi rác khác không thể tải hết, nên Gò Cát đã phải “gồng mình” nhận vượt công suất.

 

Tổng khả năng tiếp nhận rác của Gò Cát chỉ khoảng 3,6 triệu tấn, nay được giao nhận thêm khoảng 1,3 triệu tấn rác nữa. Do tiếp nhận rác quá tải và gần đây hệ thống xử lý nước rỉ rác có một số trục trặc nên bãi rác Gò Cát mới bốc mùi hôi thối cả vùng.

 

Bãi chôn lấp rác số 1 thuộc khu xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi đang chứa tới khoảng 3 triệu tấn rác. Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường, về cơ bản Phước Hiệp đã nhận đủ rác theo thiết kế nhưng cũng do thiếu chỗ đổ rác, tháng 5/2006 vừa qua, UBND TPHCM đã quyết định cho Phước Hiệp nhận thêm 160.000 tấn rác nữa.

 

Hiện nay trung bình mỗi ngày bãi chôn lấp này tiếp nhận khoảng 1.100-1.200 tấn/ngày. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đây. Bãi chôn lấp rác số 1 đang gặp sự cố công trình… nền đất ở đây bị chuồi trượt và chỗ bị trượt nhiều nhất là 28m, dài 400m. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, nếu sự cố này không được khắc phục kịp thời thì bờ bao phía ngoài bãi rác sẽ bị phá hủy và nước rỉ rác sẽ tràn ra môi trường. Đây là một nguy cơ khi mà mùa bão lũ đang diễn ra…

 

Một số bãi rác, chưa xây dựng xong, cũng đã bị cảnh báo sẽ quá tải trong một thời gian không xa. Bãi chôn lấp rác 1A cũng ở Phước Hiệp đang được xây dựng với tổng công suất tiếp nhận khoảng 1 triệu tấn và đến cuối năm nay mới bắt đầu nhận rác nhưng đã có nhiều tiên đoán sẽ bị lấp đầy vào cuối năm 2007.

 

Công trường xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, rộng 128 ha đang triển khai san lấp mặt bằng để xây dựng nhưng cũng khó có thể tiếp nhận rác vào đầu năm 2007 như mong muốn vì thuộc dự án nhóm A nên còn phải qua rất nhiều thủ tục đầu tư.

 

Khu đổ phân hầm cầu của cơ sở phân bón Hòa Bình cũng còn đang vướng giải tỏa. Diện tích toàn khu này ước rộng 8,5 ha nhưng hiện mới giải tỏa được 5,5 ha.

 

Mới định hướng, chưa quy hoạch (!?)

 

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn (Sở Tài nguyên Môi trường) cho biết, cái khó nhất hiện nay của rác là thành phố chưa có quy hoạch về xử lý rác mà mới chỉ dừng lại ở những định hướng. Không chỉ vậy, nhiều chính sách ở tầm vi mô, có tính chất kích hoạt cho các nhà đầu tư tham gia vào hoạt động xử lý rác cũng thiếu.

 

Quy chế quản lý rác dân lập: chưa có; quy trình giám sát về nước rỉ rác: chưa có; tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn các dự án đầu tư vào lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải rắn: cũng chưa có. “Thiếu cơ chế, chính sách, chúng tôi rất khó làm việc” -  ông Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh.

 

Lực lượng có chuyên môn cao tham gia trong lĩnh vực xử lý rác cũng không nhiều trong khi đó hoạt động xử lý chất thải ngày càng đòi hỏi kỹ thuật cao. Lực lượng tư nhân tham gia vào lĩnh vực xử lý rác cũng mới tập trung chủ yếu ở khâu thu gom, vận chuyển rác nên chưa đủ sức tạo ra một thị trường “xử lý rác có cạnh tranh lành mạnh” làm đà cho sự phát triển hoạt động xử lý rác đạt hiệu quả bảo vệ môi trường lành mạnh, sạch đẹp ngày càng tốt hơn.

 

Một khó khăn nữa cũng cần phải nêu ra, đó là thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc di dời, giải tỏa một số khu dân cư để xây dựng các bãi xử lý rác. Chuyện rác ở thành phố vì thế vẫn… bí rị (!?)

 

Theo Ng.Khoa - Ng. Thảo

Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm