1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ra quân truy quét mũ bảo hiểm rởm

(Dân trí) - Sáng nay 20/3, lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng đồng loạt ra quân kiểm tra, truy quét mũ bảo hiểm rởm tại 47 cơ sở kinh doanh (bao gồm các công ty, cửa hàng ở các tuyến đường trung tâm và các ki-ốt tại các chợ).

Ngành chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra, truy quét mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng
Ngành chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra, truy quét mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng

Tại dãy cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm trên đường Hùng Vương (quận Hải Châu, Đà Nẵng), cán bộ Quản lý thị trường Trung ương giám sát công tác kiểm soát mũ bảo hiểm rởm tại Đà Nẵng tư vấn tại chỗ cách phát hiện mũ bảo rởm có thể nhận định ngay bằng cảm quan. Qua đó, trước hết là tuyên truyền cho các hộ kinh doanh “nói không” vỡi mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ bảo hiểm giả, và cả các loại mũ không có chức năng của mũ bảo hiểm như các loại mũ thể thao…

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Trưởng phòng Quản lý thị trường Trung ương, đang công tác giám sát các lực lượng chức năng ra quân “truy quét” mũ bảo hiểm tại địa bàn Đà Nẵng cho biết: Có những mũ bảo hiểm có tem hợp quy, hợp chuẩn đàng hoàng nhưng có thể xác định ngay là hàng rởm vì chỉ cần dùng tay ép nhẹ vỏ mũ bảo hiểm là mũ đã cong vành, vỡ.


 

Ông Nguyễn Thức, Phó Đội trưởng đội Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, các lực lượng của ngành thường xuyên ra quân kiểm tra, phát hiện, xử phạt và nhắc nhở các trường hợp sai phạm như kinh doanh mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng. Theo quy định thì mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng phải có dấu hợp quy, có đầy đủ vỏ mũ, quai đeo và lớp xốp chống xung động.

Khó khăn trong công tác kiểm tra, truy quét mũ bảo hiểm kém chất lượng theo ông Thức là có một số loại mũ kém chất lượng nhưng lại dán dấu hợp quy. Bằng cảm quan chưa thể xác định được ngay là mũ kém chất lượng. Do đó, trong công tác kiểm tra, nếu phát hiện các mặt hàng mũ bảo hiểm không có hóa đơn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ thì dù mũ có dán tem hợp quy, lực lượng chức năng cũng tiến hành tạm thu để các lực lượng chức năng liên quan kiểm định chất lượng.

Một khó khăn nữa là việc các cử hàng kinh doanh mũ bảo hiểm chỉ bày lê kệ hàng những mũ đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng; còn những mặt hàng không đảm bảo chất lượng thì giấu đi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, phát hiện mũ giả.

Theo đánh giá sơ bộ, nhìn chung các cơ sở kinh doanh chấp hành khá nghiêm túc, chưa phát hiện mũ bảo hiểm giả và ít mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Để khuyến khích người dân ý thức “nói không” với mũ bảo hiểm dỏm, từ cuối năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai chương trình cho người dân đổi mũ bảo hiểm rởm lấy mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, giá rẻ (100.000 đồng/mũ). Được biết, tính đến nay đã đổi được hơn 43.000 mũ; và theo kế hoạch tới cuối năm 2013 này sẽ đổi thêm khoảng 57.000 mũ bảo hiểm chất lượng, giá rẻ.  Để thực hiện chương trình này, thành phố đã cho công ty sản xuất mũ bảo hiểm vay 8 tỷ đồng không lãi xuất, và giảm thuế đất xây dựng nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm ngay tại Đà Nẵng để doanh nghiệp sản xuất có thể bán ra thị trường mặt hàng đảm bảo chất lượng với giá thành thấp.
 
*

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu cũng vừa ra quân kiểm tra kinh doanh mũ bảo hiểm tại TP Bạc Liêu và huyện Giá Rai. Qua kiểm tra các điểm bán trên vỉa hè, các chợ đêm, một số cơ sở trên địa bàn, cho thấy có rất nhiều mũ bảo hiểm thời trang mẫu mã đẹp được bày bán. Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành chức năng, số mũ bảo hiểm này không có tác dụng bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra đã cho thu giữ trên 1.000 mũ bảo hiểm tại hai địa bàn này, đa số mũ bảo hiểm không có nhãn mác hàng hóa, không ghi nơi sản xuất, không có tem đạt chuẩn CR…

Mũ bảo hiểm bán ở chợ đêm Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Mũ bảo hiểm bán ở chợ đêm Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Sau khi đoàn kiểm tra cho tịch thu các mũ bảo hiểm rởm và tuyên truyền người dân quan tâm hơn đến việc bảo vệ an toàn cho mình khi sử dụng mũ bảo hiểm, người dân ở Bạc Liêu bắt đầu chú ý hơn trong việc chọn mua mũ bảo hiểm có chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Chính (ngụ huyện Giá Rai) cho biết, trước đây, khi mua mũ bảo hiểm, chị thấy rẻ, đẹp là mua. Sau khi nghe ngành chức năng phân tích sự nguy hiểm của mũ bảo hiểm kém chất lượng, chị thấy cần thay đổi việc chọn mũ bảo đảm an toàn cho mình. "Tôi sẽ mua cho cả gia đình loại mũ tốt nhất, dù có đắc một chút nhưng như thế sẽ tốt hơn", chị Chính cho hay.

Bên cạnh đó, một số người dân cho biết, thời gian qua, có đa dạng mũ bảo hiểm được bày bán tràn lan tại các chợ đêm trên địa bàn. Một phần không nhỏ người dân chọn mua những loại mũ có kiểu dáng đẹp , rẻ tiền chứ chưa quan tâm đến chất lượng, do đó mũ bảo hiểm rởm có “cơ hội” làm ăn được trong một thời gian dài. Ngoài ra, không ít người dân cũng chưa nhận biết được loại mũ nào tốt hay không tốt.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Bạc Liêu cho biết, ngoài việc kiểm tra tịch thu các loại mũ bảo hiểm rởm, ngành còn tổ chức tuyên truyền cho người dân trong việc nhận biết mũ chất lượng để chọn mua, nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn của bản thân.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng ra quân kiểm tra việc mua bán mũ bảo hiểm ở một số huyện, TP. Qua kiểm tra, đoàn cũng đã thu giữ hàng chục mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Hiện nay, các địa phương ở ĐBSCL đều đồng loạt ra quân kiểm tra việc kinh doanh mua bán mũ bảo hiểm, góp phần lập lại trật tự mua bán và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Khánh Hiền - Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm