1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ra luật rồi lại “phá luật”!

(Dân trí) - Thông tin Bộ GD-ĐT “tha bổng” cho những thí sinh làm cả hai phần tự chọn như một “gáo nước lạnh” dội vào quy chế thi. Bộ lại một lần “phá luật” chỉ vì 1.300 thí sinh “ngẫu hứng” làm hai phần tự chọn. Niềm vui của 1.300 thí sinh cũng là sự băn khoăn của những người làm giáo dục.

>> Có “oan” cho những thí sinh làm 2 phần tự chọn?

 

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã khẳng định: “Đề thi tốt nghiệp THPT rất rõ ràng, mạch lạc. Câu hỏi trong đề cũng quy định rất rõ: Từ câu số 1 đến câu 32 là phần đề chung dành cho tất cả thí sinh. Phần đề riêng cũng ghi rõ, thí sinh chỉ được chọn phần dành cho ban mình: Ban Khoa học Tự nhiên hoặc Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn.

 

Cùng với đó, các văn bản quy định của Bộ GD-ĐT đã được gửi xuống cơ sở từ tháng 1 và tháng 2 để kịp tập huấn cho giáo viên và học sinh. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều lần ý kiến của đại diện các đơn vị chức năng như Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ ĐH&SĐH...

 

Một điều nữa cũng phải khẳng định, các cơ sở đều đã tập huấn và hướng dẫn đầy đủ các quy định được và không được thực hiện khi kỳ thi diễn ra”.

 

Tuy nhiên, vào thời điểm các Sở GD-ĐT địa phương đang hoàn tất để công bố điểm thi tốt nghiệp THPT thì Bộ GD-ĐT lại bất ngờ ra chỉ thị “tha” cho các thí sinh làm cả hai phần tự chọn bằng cách, vẫn chấm bài ở phần chung, còn phần tự chọn huỷ không chấm với lý do đây là năm đầu có nhiều môn thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm.

 

Không biết khi công bố quyết định này Bộ GD-ĐT có hướng tới cái kỷ cương trong thi cử mà Bộ đã đề ra trước đó, thậm chí mâu thuẫn với những lời tuyên bố của chính vị lãnh đạo Bộ khi trả lời các phương tiện truyền thông trước kì thi.

 

Không biết trong 1.300 thí sinh này có bao nhiêu thí sinh “vô tình” và“cố ý” làm cả hai phần nhưng chắc chắn sẽ không ít thí sinh “khôn lỏi” để cố tình vi phạm quy chế. Vi phạm nhưng lại được “tha bổng”!

 

Giải pháp đưa ra cho dù có hợp tình hợp lý đến đâu nhưng quy chế thi cử bị phá bỏ, luật “chơi” lại bị “cơi nới” chỉ vì một chữ “tình”, câu hỏi đặt ra là có phải chăng quá trình thực hiện Bộ GD-ĐT vẫn còn sai sót?

 

Không ít người đã phải thốt lên, tại sao trong đề thi Bộ GD-ĐT không làm một dòng in đậm cảnh báo cho thí sinh biết với lời tựa: “Thí sinh chỉ được phép làm một trong hai phần tự chọn. Nếu làm cả hai phần sẽ bị hủy bài thi”?

 

Phải chăng thêm dòng này là tốn tiền mực, tiền in… hay là do Bộ GD-ĐT chưa “nghĩ ra” giải pháp?

 

Nhớ mùa tuyển sinh năm 2006, Bộ GD-ĐT đã phải “chùn tay” vì các thí sinh “nhỡ” làm cả hai phần tự chọn đề thi môn Ngoại ngữ và kì thi tốt nghiệp năm 2007 Bộ GD-ĐT lại tiếp tục “chùn tay” lại vì một chữ “tình”! 

 

Theo quy định, những thí sinh làm cả 2 phần ở phần riêng trong đề thi tốt nghiệp THPT phân ban sẽ bị hủy kết quả. Trước những ý kiến trái chiều, Bộ GD-ĐT.... đã “xuôi chiều” vào phút 89! Gần 1.300 thí sinh có nhầm lẫn này vẫn còn cơ hội tốt nghiệp và bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.

 

Quyết định này được một lãnh đạo Bộ GD-ĐT là thứ trưởng Bành Tiến Long công bố trong cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet.

 

Khi trả lời câu hỏi: “Căn cứ nào để Bộ GD-ĐT chuyển hướng xử lý một cách “đột ngột” như vậy?”

 

Ông Long cho hay: Quan điểm của Bộ GD-ĐT, với những trường hợp vi phạm dù phổ thông hay ĐH đều phải xử lý nghiêm để tăng cường kỷ cương trong thi cử. Tuy nhiên, đây là năm đầu có nhiều môn thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm cho nên mới xem xét quyết định chấm điểm phần chung cho các em.

 

Mặt khác, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Khảo thí thì số thí sinh làm sang phần đề sai quy định chỉ  gần 1.300 em, chiếm chưa đến 1/1.000 tổng số học sinh dự thi. Trong đó, 726 thí sinh “trèo” sang có 1 câu; còn lại làm lấn từ 2 đến 8 câu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thảo Nguyên