1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Ra hạn chót cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa ra hạn chót cho tất cả các doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp phải hoàn thành các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường trước ngày 31/3/2009. Sau hạn này doanh nghiệp nào không hoàn thành sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Về nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng như hiện nay của TPHCM, ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP, thừa nhận đó là “do buông lỏng quản lý kéo dài”.

Phổ biến trong thời gian qua là hiện tượng các cơ quan chức năng “làm lơ” trước các vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp, xử phạt không nghiêm hoặc có xử phạt nhưng thiếu kiên quyết buộc doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Tính đến nay thì vẫn chưa có vi phạm môi trường nào bị truy tố trước pháp luật.

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý này mà nhiều doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường để kiếm lợi nhuận. Điển hình cho việc cố tình vi phạm này là các doanh nghiệp tại 12 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn.

Dù khi xin giấy phép đầu tự, họ đã cam kết sẽ bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải (XLNT) cục bộ, đấu nối vào hệ thống XLNT chung của KCN, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “chây ì” không thực hiện. Như tại KCN Vĩnh Lộc, có đến 56/93 doanh nghiệp không chịu đấu nối vào hệ thống XLNT chung của KCN.

Ông Tín cho biết: “Nhiều doanh nghiệp còn cố tình kéo dài thời gian lắp đặt, cải tạo hệ thống XLNT, khí thải; vận động hệ thống đối phó khi có đoàn kiểm tra; lén lút xả thải trực tiếp chưa qua xử lý vào các ngày nghỉ để tránh bị kiểm tra; bán chất thải nguy hại cho tư thương dưới hình thức phế liệu; nhập khẩu phế liệu là chất thải nguy hại…”.

Nói về trách nhiệm thì các cơ quan chức năng đều cho là mình chưa đủ năng lực. Sở Tài nguyên Môi trường “nại” là lực lượng Thanh tra quá mỏng, chỉ có 30 người. Cảnh sát môi trường TP và các quận huyện thì có 94 người nhưng chưa hoạt động mạnh vì “chưa đủ quy định cụ thể cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ” - một đại diện Phòng CSMT cho biết.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, còn chỉ ra một nguồn ô nhiễm nhức nhối của TP nhiều năm qua là 141 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng nằm trong các khu dân cư nội thành suốt 6 năm qua vẫn chưa di dời được.

Việc di dời 1.402 cơ sở sản xuất ô nhiễm nằm trong khu dân cư đã được TP thực hiện từ năm 2002, hạn chót là năm 2004. Năm 2004 lại gia hạn đến giữa năm 2006. Nhưng đến thời điểm này thì chỉ mới có 1.261 đơn vị di dời, còn 141 đơn vị “chây lì” không chịu đi.

Được biết cuối năm 2006, Ban Chỉ đạo di dời đã giải thể vì hết thời gian thực hiện nhiệm vụ. Từ đó đến nay, TP cũng không phân công cơ quan nào tiếp tục công việc di dời nên 141 cơ sở “chây lì” vẫn “nhơn nhơn” hoạt động.

Điều này thể hiện rõ sự buông lỏng quản lý và quan tâm chưa đúng mức của UBND TP trước các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.

Tùng Nguyên