Ra đê chống cát tặc: 500 dân và chính quyền đối thoại bất thành
(Dân trí) - Trong buổi đối thoại giữa hơn 500 người dân xã Hà Thanh và chính quyền địa phương, người dân yêu cầu chủ tàu khai thác cát phải có mặt để ký cam kết đền bù; chính quyền lại lo nếu chủ tàu đến, dân manh động ai sẽ chịu trách nhiệm...
Chiều 2/12, tại nhà văn hóa thôn Tri Lễ (xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã diễn ra cuộc đối thoại của đại diện hơn 500 hộ dân địa phương và chính quyền huyện Tứ Kỳ, UBND xã Hà Thanh về nạn cát tặc.
Chính quyền địa phương cho biết, tàu khai thác cát trái phép bị chìm ngày 27/11 vừa rồi là của chủ tàu Vũ Văn Rèn (SN 1965, trú tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Trước đó, chủ tàu này đã đến UBND xã thừa nhận bằng văn bản việc khai thác cát trái phép tại sông Luộc, thuộc địa phận thôn Tri Lễ, nhờ can thiệp việc trục vớt tàu. Trước lúc bị chìm, tàu của ông Rẽ đang hút cát trộm và bị người dân phát hiện truy đuổi.
Tại cuộc đối thoại, hàng trăm người dân có chung một ý kiến: Chính quyền phải yêu cầu chủ tàu có mặt cam kết trước dân là không khai thác cát trái phép, có trách nhiệm với diện tích ruộng, hoa màu bị sạt lở; cơ quan công an, Phòng Tài nguyên môi trường huyện và UBND xã phải có trách nhiệm giúp dân chấm dứt tình trạng cát tặc.
Vị Chủ tịch UBND xã Hà Thanh thì thừa nhận, việc người dân bỏ nhà ra đê ở để “tuyên chiến” với tàu cát tặc là có lý do hợp lý. Vì tình trạng cát tặc đã trở nên quá ngang nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, môi trường và sản xuất của người dân.
Dân dựng lều thay phiên nhau canh cát tặc
Trong buổi đối thoại, chính quyền mong muốn người dân giải tán đám đông trên đê, tạo điều kiện cho chủ tàu trục với tàu lên, khai thông luồng lạch. Về phần mình, người dân lại yêu cầu phải có chủ tàu đến cùng chính quyền ký cam kết không vi phạm, dân mới "rút quân" về. Không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền, người dân đứng dậy bỏ về. Cuộc đối thoại bất thành, không kịp thông qua cả biên bản.