1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quyết tâm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết tâm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác thi hành án dân sự và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2020 ngày 9/1, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết năm 2019 toàn hệ thống đã thi hành xong trên 570.000 việc, đạt tỷ lệ hơn 78% (vượt gần 5,6% so với chỉ tiêu được giao); thi hành xong hơn 52.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 35% (vượt hơn 2,4% chỉ tiêu được giao).

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, quyết liệt hơn. Kỷ cương, kỷ luật hành chính tại cơ quan Tổng cục cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên số việc và số tiền chuyển kỳ sau vẫn ở mức cao và tăng so với cùng kỳ năm 2018. Số bản án, quyết định hành chính của Tòa án chưa được các cơ quan hành chính thực hiện vẫn còn tồn nhiều.

Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự đã trình bày một số báo cáo chuyên đề liên quan tới việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, nâng cao hiệu quả xử lý và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể.

“Quyết tâm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự” - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị trong năm 2020, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật. Khẩn trương triển khai việc nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Bộ chính trị/Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời tập trung rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tổ chức tổng kết thi hành Luật Thi hành án dân sự đảm bảo chất lượng, hiệu quả để làm cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung luật.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng yêu cầu đơn vị này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt chức năng tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính trên phạm vi cả nước; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính.

Triển khai thực hiện hiệu quả các kết luận và kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tăng cường việc kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc Chấp hành viên tổ chức thi hành loại việc này, không để xảy ra tình trạng “khoán trắng”, bỏ mặc Chấp hành viên tự tổ chức thi hành án mà thiếu sự kiểm tra, giám sát.

Đặc biệt, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết tâm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác thi hành án dân sự và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực.

Từng đơn vị triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị gắn với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác này.

Tổng cục Thi hành án dân sự phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhất là đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tập trung vào những địa bàn, đơn vị để xảy ra nhiều vi phạm hoặc còn nhiều hạn chế, yếu kém; tăng cường công tác điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo, Chấp hành viên…

Thế Kha