1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Quyết liều mạng bám trụ chờ biển... “nuốt” nhà!

(Dân trí) - Sóng dữ từng xô sập đến 2-3 lớp nhà, cực chẳng đã những hộ dân này buộc phải di dời đến nơi ở mới. Nhưng còn phần lớn hộ dân khác vẫn bám trụ, chấp nhận hiểm nguy rình rập mỗi mùa mưa bão về...


Đó là tình trạng chung của hàng trăm hộ dân các thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện, Diêu Quang (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Hàng năm, đến mùa mưa bão người dân lại mất ăn, mất ngủ vì nỗi lo biển “nuốt” làng. Dù vậy, người dân vẫn chưa chịu di dời đến khu tái định cư mới vì lý do mức đền bù quá thấp và nhiều bất cập.

Biển chực “nuốt” làng

Đến thôn Kim Giao Bắc (xã Hoài Hải), nơi có hàng chục hộ dân ven biển bị sóng dữ xô sập cách đây vài năm. Một góc cửa biển An Dũ tan hoang chỉ còn lại những mái nhà đổ nát, bề bộn. Sâu vào bên trong, những lớp nhà lụp xụp được chằng chống tạm bợ để chống những đợt giông bão có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thế nhưng, nhiều năm qua người dân vẫn bất chấp tính mạng, tài sản sống kề mép tử thần.

Những lớp nhà ven biển sát cửa biển An Dũ (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị sóng phá hủy
Những lớp nhà ven biển sát cửa biển An Dũ (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị sóng phá hủy

Bà Nguyễn Thị Nê (77 tuổi, thôn Kim Giao Bắc) sống cùng chồng ngay mép biển An Dũ cho biết, trước đây bãi biển cách xa nhà dân cả 50 – 60m, mưa bão lớn mấy cũng không sợ. Nhưng năm 2006, mưa bão lớn, sóng biển tấn công đánh sập nhiều ngôi nhà trước biển nên người dân rất lo lắng. Mùa mưa bão, đêm nằm nghe sóng xô ầm ầm mà hãi. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần vận động bà con di dời đến khu tái định cư (TĐC) mới, nhưng mức hỗ trợ quá thấp nên người dân chưa chịu đi.

Chỉ vào những ngôi nhà bị sóng biển phá hủy, bà Nê nói tiếp: “Giờ chỉ còn 2 vợ chồng già yếu mà với mức hỗ trợ 20 triệu đồng làm sao để cất ngôi nhà mới mà ở. Biết là nguy hiểm nhưng sống còn được bao lâu nữa, đành sống liều…”.

Đó cũng là nỗi lo lắng của vợ chồng bà Mai Thị Hiếu, dù biết không di dời có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng đành nhắm mắt làm ngơ. Bà Hiếu cho biết: “Trước đây để cất được ngôi nhà đâu phải dễ, vợ chồng làm biển tích góp bao năm mới có. Giờ chuyển đến khu TĐC mới phải làm lại từ đầu. Nhưng muốn xây ngôi nhà ở tạm, rẻ cũng phải trên 150 triệu, nhà khang trang hơn thì phải nằm giá 300 triệu đồng. Trong khi đó, với 20 triệu đồng hỗ trợ TĐC, số tiền chỉ đủ thuê xe vận chuyển đồ đạc chứ nói gì đến việc xây nhà mới”.

Ông Ninh bao năm sống chứng kiến cảnh nhà dân bị biển, sông xâm thực nhà cửa sập, không thể ở
Ông Ninh bao năm sống chứng kiến cảnh nhà dân bị biển, sông xâm thực nhà cửa sập, không thể ở

Gần một đời người gắn bó với mảnh đất này, lão ngư Phan Đậm (60 tuổi, thôn Kim Giao Bắc) nhà sát mép sông lo lắng: “Những nằm gần đây tình trạng bờ biển, bờ sông xâm thực nặng, gây sạt lở nghiêm trọng. Chẳng biết khi nào ngôi nhà tôi và các hộ trong xóm sụp đổ theo sông. Chứng kiến nhiều ngôi nhà bị biển phá hủy, người dân ai chẳng lo lắng nhưng tiền hỗ trợ quá ít sao đi. Chúng tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ kinh phí xây đoạn bờ kè này để người dân sống an toàn, yên tâm làm ăn”.

Đền bù thấp, TĐC chưa an toàn…

Qua tìm hiểu, khu TĐC Hoài Hải (2 giai đoạn) ở Diêu Quang là dự án lớn thuộc chương trình phòng, chống sạt lở, ứng phó thiên tai ở Bình Định. Tổng kinh phí dự án khoảng 15 tỷ đồng, diện tích 6ha, có khả năng tiếp nhận hơn 300 hộ. Dự án được đánh giá là quy củ với hạ tầng cơ sở hơn hẳn so với chỗ ở hiện tại của người dân. Đến nay, có 107/265 hộ, chủ yếu là các hộ dân bị sóng đánh sập hoàn toàn hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng không thể ở lại mới chuyển đến khu TĐC mới này. Thế nhưng, cuộc sống ở nơi ở mới chưa được bao lâu thì có nhiều dấu hiệu bất cập. Vì lẽ đó, những hộ dân sau này không muốn chuyển đến dù biết ở lại là nguy hiểm đến tính mạng, tài sản.

Theo người dân phản ánh, ngoài mức hỗ trợ ít ỏi, có thời điểm người dân chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn 2 triệu đồng, sau đó tăng lên 10 triệu, đến giờ là 20 triệu đồng và 100m2, không đủ để người dân cất ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống. Trong khi đó, khu TĐC mới nằm ở vùng đất trũng, chưa mưa đã ngập. Thêm vào đó, nền đất ở đây yếu, không ít hộ dân xây nhà ở chưa được bao lâu thì bị sụt lún, nứt rất đáng lo ngại. Đó là chưa nói đến bất cập trong việc người dân khai thác thủy hải sản trên biển gặp khó khăn.

Nhiều nhà chưa bị sập nhưng phải tháo bỏ đồ đạc ra đi vì sợ sóng biển nuốt
Nhiều nhà chưa bị sập nhưng phải tháo bỏ đồ đạc ra đi vì sợ sóng biển "nuốt"

Bà Nguyễn Thị Rèn (50 tuổi), một trong số hộ đầu tiên di dời đến khu TĐC mới cho biết: Năm 2006 triều cường dâng cao, xô sập nhà cửa. Bất đắc dĩ, gia đình mới phải chuyển vào Diêu Quang. Khi ấy, chính sách hỗ trợ ít lắm, gia đình nhận 2 triệu đồng vào nơi ở mới với bao khó khăn. Vợ chồng tích góp được tí vốn, còn đâu vay mượng xây ngôi nhà để ở. Nhưng ở chưa được bao lâu thì xuất hiện nền nhà lún, tường nứt. Tuy vết nứt không lớn nhưng về lâu dài cũng thấy bất an.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Huỳnh Có- Chủ tịch UBND xã Hoài Hải - bày tỏ băn khoăn: Sở dĩ người dân ít muốn di dời vì họ cho rằng mức hỗ trợ quá thấp. Thời điểm từ 2006 – 2010, mức hỗ trợ chỉ 2 triệu đồng/hộ; năm 2012 về trước 10 triệu đồng/hộ, hiện tại mức hỗ trợ là 20 triệu cùng 1 lô đất 100m2. Trong khi đó, điều kiện sinh hoạt tại khu TĐC mới chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, việc đi lại khai thác thủy hải sản gặp trở ngại.

Khu TĐC Diêu Quang còn bỏ hoang vì nhiều bất cấp
Khu TĐC Diêu Quang còn bỏ hoang vì nhiều bất cấp

Một lý do nữa, nền đất một số chỗ tại khu TĐC còn yếu khiến người dân lo ngại; nước sạch không có, trong khi nước giếng khoan nhiễm mặn, phèn; hệ thống mương thoát nước chung giai đoạn 1 chưa có nắp đậy, đất cát bồi lấp không thoát được. Trong khi, thói quen người dân thải rác thải cá nhân chưa ý thức, lâu ngày ứ đọng gây hôi thối.

Về chính quyền địa phương, chỉ dừng lại ở việc vận động các hộ dân ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đến khu TĐC mới. Riêng đối với những hộ có nguy cơ sạt lở cao đe dọa đến tính mạng thì địa phương phối hợp với các ngành chức năng buộc phải di dời. Bên cạnh đó, mỗi khi có mưa bão đến, địa phương phối hợp với các ngành chức năng huyện buộc phải cưỡng chế người dân đến nơi an toàn.

“Mong muốn của người dân là xây bờ kè chắn sóng, song trên nói kinh phí quá lớn, dự kiến trên 10 tỷ đồng cho đoạn bờ kè dài 500m. Trong khi đó, muốn an toàn thì phải xây bờ kè bờ chắn sóng dài khoảng 2km, khiến dự án lại càng không có khả thi" - ông Huỳnh Có chia sẻ.

Doãn Công