1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quyết định của Thủ tướng cũng cần luật định?

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề như vậy tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính của UB Thường vụ Quốc hội ngày 25/9. Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, các quyết định của Thủ tướng để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng như vậy sao không quy định?

Vấn đề xác định loại hình văn bản ban hành của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ đề nghị tăng cường kiểm tra tính pháp lý đối với dự thảo quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích công cộng mà cơ quan thẩm tra dự án luật (UB Pháp luật của Quốc hội) đặt ra. Theo đó, các quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích công cộng có tác động, ảnh hưởng rất lớn, do vậy cần thiết quy định trách nhiệm.

Tán thành quan điểm này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (đại diện cơ quan soạn thảo luật) nhận định, việc kiểm tra tính pháp lý nhằm kiểm soát ngay từ đầu hạn chế ảnh hưởng bất lợi từ các quyết định này đến cộng đồng, đồng thời, làm tăng tính chuyên nghiệp, pháp quyền trong hoạt động của nền hành chính.

Thực tế vừa qua cho thấy, do việc kiểm soát quyết định hành chính không được chặt chẽ dẫn đến một số quyết định hành chính liên quan đến lợi ích công cộng ngay khi mới ban hành đã phải thu hồi, gây tác động xấu đến xã hội, giảm lòng tin của người dân.

Phân tích kỹ về loại hình văn bản quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, ngay ở ban soạn thảo cũng còn có hai quan điểm.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, luật Ban hành quyết định hành chính không nên điều chỉnh đối với quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng. Lý do đưa ra là vì, theo quy định của Hiến pháp thì nhiệm vụ, quyền hạn chính của Chính phủ, Thủ tướng là quản lý, điều hành và quyết định những vấn đề có tính chất quan trọng, vĩ mô nên việc ban hành quyết định hành chính cá biệt tác động ra bên ngoài không nhiều.

Các ý kiến này còn cho rằng, khi cần ban hành quyết định hành chính tác động ra bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng đang sử dụng bộ máy tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành và của Văn phòng Chính phủ. Quy trình này đã được quy định tương đối chặt chẽ tại các quy chế hoạt động của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính thì quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không phải là đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Chính phủ thống nhất hướng quan điểm này và dự thảo luật, theo đó, được thiết kế với tinh thần này.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho rằng, luật cần phải điều chỉnh đối với quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Lý do là vì các chủ thể này cũng ban hành, trong đó có quyết định hành chính tác động ra bên ngoài, liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng.

Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu luật phải bao quát, không có trường hợp loại trừ trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu luật phải bao quát, không có trường hợp loại trừ trách nhiệm.

UB Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần cân nhắc, không quy định Thủ tướng, Chính phủ là chủ thể ban hành quyết định hành chính tại dự thảo luật. Chủ nhiệm Phan Trung Lý lập luận, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan này.

Các chủ thể này ban hành quyết định hành chính, tác động ra bên ngoài, liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, thậm chí còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến lợi ích của nhiều người và thẩm quyền ban hành các quyết định này cũng được quy định trong các văn bản pháp luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Phân tích của cơ quan thẩm tra cũng nhận được sự đồng tình của một số ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại diện TAND Tối cao cho rằng nếu không quy định quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng trong luật thì người dân sẽ không hiểu. Gạt bỏ lo ngại có thể bị kiện, đại diện TAND Tối cao phân tích, theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng không phải là đối tượng bị khởi kiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thốt lên: “Quyết định của Thủ tướng quan trọng thế mà lại không đưa vào luật này?”.

Chủ tịch Quốc hội không tán thành với hướng loại bỏ và không quy định trong luật chế tài đối với các chủ thể ban hành quyết định hành chính như Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tòa án… Người đứng đầu Quốc hội phân tích, Thủ tướng ra văn bản hành chính là chỉ thị, hay chỉ đạo, xử lý, hay các quyết định của thủ tướng để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ… không đưa vào luật sẽ thiếu chuẩn trong khi luật cần bao quát, không có trường hợp loại trừ.

P.Thảo

 

Quyết định của Thủ tướng cũng cần luật định? - 2