1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quyền im lặng đang bị "lặng im"

Quyền im lặng của bị can, bị cáo đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu, nhưng ở Việt Nam đang được thảo luận, nhiều kiến nghị sớm luật hóa quyền im lặng. Thực thi quyền im lặng của bị can, bị cáo là một trong những giải pháp quan trọng để chống oan sai, ép cung, nhục hình...

Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng) được minh oan sau  10 năm tù tội. 
Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng) được minh oan sau  10 năm tù tội. 
Ảnh: Xuân Long
 
Ở nhiều nước trên thế giới, hầu hết người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo đều có luật sư bào chữa ngày từ giai đoạn đầu. Họ có quyền im lặng, không phải khai báo bất kỳ việc gì khi chưa có luật sư. Ở Việt Nam, rất nhiều bị can, bị cáo không có luật sư bào chữa, cộng thêm việc nhận thức pháp luật của họ rất hạn chế và quyền im lặng thì đang bị lặng im. 

Hiến pháp năm 2013 quy định “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Nhưng trên thực tế, luật sư thường bị làm khó khi tiếp xúc với thân chủ ngay từ khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Thủ tục hành chính rườm rà, sự thiếu hợp tác giữa cán bộ điều tra với luật sư là vấn đề được nói nhiều, nhưng chưa giảm được bao nhiêu. 

Pháp luật hình sự quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, nhưng lại quy định việc khai báo không thành khẩn của bị can, bị cáo là tình tiết tăng nặng khi lượng hình phạt. 

Nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự để đảm bảo quyền công dân, chống oan sai, nhưng thực tế, định kiến buộc tội đôi khi nhiều hơn gỡ tội. Tình trạng nhiều vụ án hình sự trên cả nước bị hủy, sửa hoặc tuyên vô tội đã cho thấy, nguyên tắc suy đoán vô tội không phải lúc nào cũng được thực thi ở tất cả các giai đoạn tố tụng. 

Pháp luật hình sự còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa luật hóa quyền im lặng của bị can, bị cáo. Quyền im lặng của bị can, bị cáo là chế định pháp lý tiến bộ mà pháp luật hình sự nhiều nước trên thế giới thực thi. Thực thi quyền im lặng sẽ chống lại việc lạm quyền, hành xử không đúng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

 Chưa luật hoá quyền im lặng, vì bị ép cung, nhục hình, cho nên bị can đành phải nhận tội, khai báo theo gợi ý của điều tra viên. Ra tòa, các bị cáo thường phản cung, thậm chí là tố cáo việc bức cung, nhục hình, nhưng rất tiếc, lời tố cáo của các bị cáo chỉ như “đá ném ao bèo”, Hội đồng xét xử giải thích qua rồi xét xử theo kiểu “án tại hồ sơ”. 

Để không xảy ra những vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; vụ bức cung, nhục hình ở Phú Yên; Hà Nội..v.v. thì cần sớm luật hóa quyền im lặng của bị can, bị cáo. Hiến pháp 2013, bộ luật gốc được thực thi với rất nhiều điểm mới và tiến bộ liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, thì không có gì mà “treo” quyền im lặng của bị can, bị cáo./.

 

Theo Đức Việt

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam