1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quyền hạn không thể tách rời trách nhiệm

Nếu quyền hạn và trách nhiệm tách rời nhau thì cơ quan nhà nước sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn", nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói.

Nhân hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 5 đang họp bàn về nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, nguyên chủ tịch Quốc hội đã trò chuyện xung quanh vấn đề này.

 

Thưa ông, việc phân định rành mạch chức năng của Đảng và các cơ quan quản lý nhà nước nên như thế nào?

Hãy nhìn vào chiếc đồng hồ, ở đó mỗi bánh răng, mỗi cây kim đều phải làm việc theo một chức năng nhất định, làm công việc của mình mà không thể thay nhau được. Tôi lấy ví dụ đó để thấy trong bộ máy hành chính nhà nước, hiến pháp và pháp luật cũng đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp, các ngành, quy định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chức năng quản lý nhà nước của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao...

Đảng là lực lượng chính trị lãnh đạo nhà nước và xã hội, song Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước. Nghĩa là Đảng lãnh đạo chứ không trực tiếp làm thay chức năng của các cơ quan nhà nước. 

Quốc hội được quyền quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước... Mặc dù vậy, Quốc hội vẫn phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh chức năng hiến định đã được phân công, không được can thiệp hoặc làm thay chức năng của Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội và Chính phủ phải tôn trọng chức năng xét xử của tòa án, tôn trọng phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

 

Chỉ khi nào chức năng của từng cơ quan được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh thì hoạt động của hệ thống bộ máy mới có hiệu lực và hiệu quả cao.

 

Ông nghĩ sao khi thực tế thời gian qua cấp ủy Đảng tại một số nơi can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền?

 

Nếu Đảng trực tiếp chỉ đạo làm thay các cơ quan nhà nước thì Đảng đã tự cho mình trở thành cơ quan quyền lực nhà nước song song và đứng trên cơ quan quyền lực nhà nước. Nếu lẫn lộn sẽ dẫn tới nghịch lý là Đảng có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật. Như vậy, nếu quyền hạn và trách nhiệm tách rời nhau thì cơ quan nhà nước sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn. Đó là điều tối kỵ!

 

Thời gian qua, sự can thiệp của cán bộ trong cấp ủy vào UBND một số địa phương, vào hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và xét xử của ngành tòa án đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Nếu sai phạm để xảy ra ở cấp trung ương thì kỷ cương phép nước sẽ bị rối loạn, hậu quả sẽ là khôn lường.

 

Thưa ông, ông có ý kiến như thế nào về phương thức làm nhân sự được thực hiện theo cách Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu?

 

Việc Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu là một cơ chế cần thiết và tối ưu trong điều kiện chúng ta có một đảng duy nhất lãnh đạo. Tôi cho rằng cuộc bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao nhà nước lần này cũng sẽ được tiến hành với phương thức đó. Đảng ở đây là Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị. Điều đó bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quyền quyết định trực tiếp của Quốc hội để đi tới ý Đảng lòng dân là một, trong đó lòng dân là gốc. Lòng dân cụ thể ở đây là Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của dân.

 

Thực tế đã có trường hợp ứng cử viên do Đảng cử nhưng không được Quốc hội nhất trí hoặc nhất trí không cao, dù phần lớn đại biểu Quốc hội đều là đảng viên?

 

Nhìn lại một số cuộc bầu, phê chuẩn nhân sự ở những khóa Quốc hội vừa qua, tôi thấy có các trường hợp cần nghiên cứu rút kinh nghiệm khi Đảng giới thiệu nhân sự ra Quốc hội. Thứ nhất, khi Quốc hội thảo luận, lấy phiếu thăm dò thì đa số nhất trí và khi bầu chính thức thì các ứng cử viên do Đảng giới thiệu đều trúng cử nhưng tỉ lệ tín nhiệm từng người cao thấp khác nhau. Thứ hai, khi thảo luận, lấy phiếu thăm dò thì nhiều đại biểu nhất trí nhưng tỉ lệ nhất trí không cao. Do đó, khi bầu chính thức, các ứng cử viên do Đảng giới thiệu không trúng cử hoặc nếu trúng thì tỉ lệ phiếu rất thấp. Thứ ba, đa số đại biểu không nhất trí với nhân sự do Đảng giới thiệu.

 

“Lòng dân luôn là điểm xuất phát và cũng là đích cuối cùng cho mỗi suy nghĩ và việc làm của Đảng, Nhà nước cũng như của từng đại biểu Quốc hội”.

Lãnh đạo Đảng đã tiếp thu ý kiến của Quốc hội và giới thiệu nhân sự khác thay thế. Có trường hợp lãnh đạo Đảng giữ ý kiến giới thiệu ban đầu và giải trình rõ thêm cho các đại biểu nhưng càng giải trình thì tỉ lệ nhất trí càng giảm sút nên cuối cùng phải giới thiệu người khác. Khi lãnh đạo Đảng tiếp thu ý kiến của Quốc hội, giới thiệu người khác thay thế thì không khí Quốc hội thoải mái, các ứng cử viên được giới thiệu đều trúng cử với tỉ lệ phiếu cao, thấp khác nhau.

 

Thứ tư, đa số đại biểu nhất trí, song nhiều đại biểu lại đề nghị giới thiệu thêm một ứng cử viên nữa để Quốc hội lựa chọn. Cũng có trường hợp bầu một trong hai ứng cử viên nhưng không người nào trúng cử, việc bầu cử đó phải chuyển sang phiên họp khác, thậm chí phải chuyển sang kỳ họp khác.

 

Những trường hợp trên cho thấy chủ yếu các đại biểu là đảng viên có những ý kiến khác với lãnh đạo Đảng?

 

Đúng thế, nhiều đại biểu là đảng viên không bỏ phiếu cho nhân sự do lãnh đạo Đảng giới thiệu. Đảng viên trong Quốc hội chiếm trên dưới 90% nên không thể nói đơn giản là Quốc hội khác với Đảng mà chính là đảng viên trong Quốc hội khác ý kiến với lãnh đạo Đảng. Vì sao như vậy?

 

Đó là vì trước đó đảng viên chưa được tham gia ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng. Nhân sự cấp bộ trưởng trở xuống do Bộ Chính trị giới thiệu. Số thành viên trong Bộ Chính trị chỉ là 3% so với 500 đại biểu Quốc hội mà nếu đảng viên trong Quốc hội có 92% thì có tới 89% đảng viên trong Quốc hội chưa được bàn và bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng.

 

Không nên tự mình dọa mình

 

Việc đảng viên có ý kiến khác với lãnh đạo Đảng có bị xem là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không, thưa ông?

 

Qua những trường hợp cụ thể trên đã có hai loại ý kiến được đưa ra. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng điều đó là bình thường, dân chủ, đúng luật. Quốc hội quyết định thế nào cũng là quyết định của Đảng vì trên dưới 90% đại biểu là đảng viên. Loại ý kiến thứ hai cho rằng điều đó sẽ làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, đảng viên là đại biểu Quốc hội mà có ý kiến khác, không bỏ phiếu cho nhân sự do Đảng giới thiệu là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cần phải xem xét kỷ luật.

 

Nhưng rõ ràng 89% đảng viên chưa được bàn mà không cho họ nói hay họ nói lại bị qui là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là không được vì trong nội bộ Đảng chưa được bàn bạc dân chủ. Đây hoàn toàn là vấn đề dân chủ trong nội bộ Đảng và là những ý kiến xây dựng chứ không phải ý kiến gây rối. Tại sao mình lại tự dọa mình? Tại sao lại không chịu lắng nghe?

 

Trong trường hợp Đảng giới thiệu nhân sự mà đức và tài không đồng đều nhau thì sao?

 

Theo các bạn, giữ vững nguyên tắc để đi tới quyết định sáng suốt, ngọc đá phân minh, hay giữ vững nguyên tắc để đi tới quyết định sai lầm, vàng thau lẫn lộn?

 

Nguyên tắc không phải vì mục đích tự thân. Nguyên tắc phải phục vụ mục đích đánh giá đúng người hiền tài, phân biệt tín nhiệm cao thấp khác nhau tùy theo tài đức của từng người. Hiểu và chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ một cách máy móc trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo sẽ đi tới kết quả tai hại là tài đức tuy khác nhau, sự tín nhiệm khác nhau nhưng số phiếu tín nhiệm của họ lại gần như nhau vì các đại biểu phải chấp hành máy móc nguyên tắc tập trung dân chủ để bỏ phiếu bằng nhau cho các ứng cử viên tài đức khác nhau. Phiếu cao mà tín nhiệm thật lại quá thấp là giả tạo, ru ngủ lẫn nhau, không thật lòng mình, không được lòng người, không hay cho Đảng, không lợi cho dân, ta không được làm.

 

Thực tiễn cho thấy Đảng ta cũng đã có những khiếm khuyết nhất định trong trường hợp cụ thể nào đó, nên lãnh đạo Đảng đã tiếp thu và điều chỉnh phù hợp thể theo ý kiến đúng đắn của nhiều đại biểu Quốc hội. Cũng có trường hợp ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội không đúng và khi được giải trình đầy đủ thì lại nhất trí với sự giới thiệu nhân sự của Đảng.

 

Theo kinh nghiệm của ông, chúng ta phải xử lý những khúc mắc này như thế nào cho thật hay?

 

Theo tôi, vấn đề cốt yếu là Đảng cần nâng cao năng lực và nghệ thuật lãnh đạo, nâng cao chất lượng tiến cử nhân sự, cả đảng viên và người ngoài đảng. Đồng thời, Đảng cần tôn trọng lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh phù hợp và giải trình thuyết phục. Vấn đề quan trọng nữa là Đảng cần cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội.

 

Nhưng không thể bỏ qua vai trò của đại biểu Quốc hội?

 

Đại biểu Quốc hội cần đề cao trách nhiệm của mình, phải thật sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân, những đại biểu - đảng viên phải vận động thuyết phục mọi người thực hiện chủ trương lãnh đạo theo sự giải trình của lãnh đạo Đảng, đồng thời phải độc lập suy nghĩ để góp phần vào chủ trương lãnh đạo của lãnh đạo Đảng và sự lựa chọn quyết định của Quốc hội được sáng suốt nhất, phù hợp với lòng dân nhất.

 

Người đảng viên - đại biểu phải làm việc bằng cả hai vai, vai đảng viên và vai đại biểu, cả hai vai đều phải lấy lòng dân làm gốc. 

 

Theo Khiết Hưng - Lê Anh Đủ

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm