Quyền Bộ trưởng Y tế: “Covid-19 tấn công đúng 3 khoa có bệnh nhân yếu nhất”
(Dân trí) - “Hội đồng chuyên môn với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, nhiều kinh nghiệm nhất vào Đà Nẵng nhưng vẫn không thể cứu chữa được một số bệnh nhân mắc Covid-19”, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Truy F0 tại Đà Nẵng là bất khả thi
Chiều ngày 2/8, phát biểu tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh thành về phòng chống Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay, tại Việt Nam đã có 590 ca mắc Covi-19, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Sau 99 ngày không có ca nhiễm mới, đến ngày 25/7 vừa qua cả nước có ca nhiễm mới, đến nay có 144 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng tại 7 tỉnh thành (Đà Nẵng 105 ca, Quảng Nam 25 ca, Đắk Lắk 1 ca, TP HCM 8 ca, Quảng Ngãi 2 ca, Hà Nội 2 ca, Thái Bình 1 ca).
Ông Long cho biết, sau khi dịch bệnh quay lại TP Đà Nẵng đến nay, số trường hợp mắc bệnh gia tăng, và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Cụ thể, trong 10 ngày (kể từ 24/7 đến nay) đã ghi nhận 144 ca mắc tại cộng đồng, 5 trường hợp tử vong. Kỷ lục nhất là trong ngày 31/7, ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh. “Tình hình dịch lần này có mức độ lây nhiễm rất cao so với tháng 4”, ông Long nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ tháng 7 đến nay đã trải qua từ 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm bùng phát dịch (từ ngày 5-8 và từ ngày 16-20/7). Ngành y tế đánh giá, tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau, vì vậy việc truy vết F0 đến nay là không khả thi. Ngoài ra, do trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại cộng đồng khá cao.
Các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng đến nay đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch tại TP Đà Nẵng, trong đó có người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Ngoài ra, có 6 trường hợp lây ngoài công đồng, dù ngành y tế đã cố gắng điều tra nhưng chưa tìm được mối liên hệ với ổ dịch tại 3 bệnh viện của TP Đà Nẵng. “Như vậy, có thể nói rằng có một số ổ dịch tồn tại trong cộng đồng và có thể tiếp tục lây nhiễm”, ông Long nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, vừa qua là thời gian cao điểm của mùa du lịch, nên có khoảng 1,4 triệu người đến TP Đà Nẵng từ ngày 1 đến 29/7, trong đó có khoảng 800.000 người đi đến khu vực liên quan đến 3 bệnh viện và khoảng 46.000 người khám bệnh tại 3 bệnh viện của Đà Nẵng. Do các trường hợp đến Đà Nẵng từ 63 tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là Quảng Nam, Hà Nội, TP Đà Nẵng, nên nguy cơ xuất hiện thêm các ca bệnh ngoài cộng đồng là rất cao.
“Dịch tấn công đúng 3 khoa có bệnh nhân yếu nhất”
Ông Nguyễn Thanh Long nhận định nguồn lây nhiễm chính của Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Ngoài ra chủng vi rút lần này, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam với tính lây nhiễm cao, càng làm tăng khả năng lây nhiễm. “Chúng ta vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc tại cộng đồng ở một số địa phương trong cả nước, đồng thời sẽ có thêm trường hợp mắc bệnh tử vong do bệnh nhân có bệnh lý khá nặng”, ông Long cho hay.
Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, dịch Covid-19 lần này tấn công đúng vào 3 khoa có bệnh nhân yếu nhất. Cụ thể như khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện Đà Nẵng bệnh nhân có nhiều bệnh lý khác nhau lại nhiễm thêm cả Covid-19. “Dù hội đồng chuyên môn với tất cả các giáo sư, bác sĩ đầu ngành và nhiều kinh nghiệm nhất vào Đà Nẵng nhưng vẫn không thể cứu chữa được một số bệnh nhân mắc Covid-19”, ông Long nói.
Về giải pháp phòng chống Covid-19 trong thời gian tới, ông Long đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành thực hiện nghiêm các chỉ đạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; kiên định thực hiện 5 nguyên tắc trong phòng chống dịch (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch); đồng thời làm tốt công tác điều trị và khẩn trương truy vết các trường hợp về từ Đà Nẵng.
Ông Long cho biết, trong sáng nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã họp đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản mới về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay; Ban chỉ đạo phòng chống dịch đề nghị Thủ tướng cho phép ban hành văn bản mới về tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống Covid-19 với một số nội dung như Chủ tịch tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay bằng nước sát khuẩn ở nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn, dừng các cơ sở kinh doanh không thiết yếu….
“Có thể nói rằng ổ dịch tại Đà Nẵng là ổ dịch hết sức phức tạp. Đây cũng là trường hợp chưa có tiền lệ trong ngành y tế, khi đã huy động một lực lượng rất lớn, với các chuyên gia, giáo viên, học sinh hỗ trợ cho Đà Nẵng để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm sao dập tắt sớm ổ dịch ở Đà Nẵng”, ông Nguyễn Thanh Long nói.