1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy hoạch Tây Nguyên làm một cao nguyên xanh bền vững

(Dân trí) - Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến 2030 xác định xây dựng khu vực giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh, một cao nguyên xanh có môi trường sinh thái bền vững.

Quy hoạch Tây Nguyên làm một cao nguyên xanh bền vững
 
Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22/7/2014. Nhằm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02/12/2014, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị: “Công bố Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 và bàn giao hồ sơ cho các địa phương” tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị có sự tham dự của Đại diện: Văn phòng Chính phủ và các Bộ/ ngành Trung ương; UBND các tỉnh, Sở/ Ngành chuyên môn và đại diện UBND một số huyện/ thành phố/ thị xã của 05 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên.

Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 đã xác định một tầm nhìn mới và các chiến lược phát triển của vùng, khẳng định tính chất, vai trò vị thế của vùng Tây Nguyên trong bối cảnh quốc gia và quốc tế, với mục tiêu xây dựng phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030 trở thành một vùng “giầu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội, mạnh về quốc phòng an ninh, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng”, “vùng kinh tế động lực của cả nước về sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa phục vụ xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành một trong những Quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới”,“Một cao nguyên xanh - Có môi trường sinh thái bền vững”

Đồ án cũng đã định hướng phát triển không gian vùng trên cơ sở các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các lĩnh vực phát triển chuyên ngành và các định hướng chiến lược phát triển chính của quốc gia, vùng Tây Nguyên được phân thành các tiểu vùng và các dải hành lang phát triển kinh tế. Mỗi vùng không gian kinh tế được gắn với sự phát triển của các đô thị động lực trung tâm vùng, đô thị trung tâm các tiểu vùng và đô thị nhỏ có chức năng dịch vụ tổng hợp.

Dự kiến đến năm 2020 quy mô dân số toàn vùng khoảng 6,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 33,5 %;  năm 2030 quy mô dân số toàn vùng khoảng 7,39 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 40,7%.

Phân bố hệ thống đô thị đến năm 2020, tổng số đô thị toàn vùng đạt khoảng 89 đô thị trên cơ sở nâng cấp mở rộng 62 đô thị hiện có và xây dựng mới 27 đô thị, trong đó có 3 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 3 đô thị loại  III, 15 đô thị loại IV; 66 đô thị loại V. Đến năm 2030, tổng số đô thị toàn vùng đạt khoảng 117 đô thị, trong đó có: 03 đô thị loại I, 03 đô thị loại II, 07 đô thị loại  III, 21 đô thị loại IV; 83 đô thị loại V.

Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 được phê duyệt sẽ là căn cứ để các địa phương trong vùng tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị, khu chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và các chương trình phát triển đô thị trên địa bàn.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm