1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng để hợp thức hóa dự án giao thông thủy xuyên Á?”

(Dân trí) - Mặc dù dự án giao thông thủy xuyên Á dọc sông Hồng đã bị Thủ tướng Chính phủ “bác” vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật nhưng các nhà khoa học phản ánh, đã có dư luận cho rằng Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình đang được xây dựng nhằm “hợp thức hóa”, “rộng đường” cho dự án này.

Tháng 5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã bác dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Tháng 5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã "bác" dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Tại Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về đề cương Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình diễn ra hôm qua (14/7), ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, lưu vực sông Hồng -Thái Bình là lưu vực sông lớn thứ hai ở nước ta với tổng diện tích gần 170.000 km2, tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 135 tỷ m3. Trong đó, lượng dòng chảy hàng năm sản sinh trên lãnh thổ Trung Quốc khoảng 51 tỷ m3, chiếm 38% tổng lượng dòng chảy toàn lưu vực sông.

Trung Quốc đã cho vận hành hàng chục thủy điện, 1.870 đập dẫn và kênh dẫn nước, 9 hồ chứa có tổng dung tích 200 triệu m3... nên đã làm thay đổi lớn đến lượng nước, chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa của sông Đà, sông Thao, sông Chảy, sông Lô trước khi đổ vào nước ta.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng mà dư luận, báo chí phản ánh suốt thời gian qua không có trong quy hoạch sông Hồng trước đây. Chính vì thế hiện nay đang có nhiều luồng ý kiến cho rằng xây dựng Đề án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình là để hợp thức hoá dự án đường thủy xuyên Á này.

“Dư luận xã hội đang có ý kiến hoài nghi như vậy. Một con đường cao tốc thì quy hoạch, thực hiện rất nhanh nhưng một dòng sông, nhất là sông Hồng thì không thể phó mặc cho doanh nghiệp tư nhân làm được mà phải do cơ quan nhà nước thực hiện. Nếu giao doanh nghiệp tư nhân thực hiện thì họ có thể chuyển nhượng và nước ngoài nhảy vào mua thì sẽ thành tô giới của người ta, khi ấy chúng ta làm gì được? Con sông này ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân, không thể phó mặc cho mấy ông doanh nghiệp tư nhân”- ông Giang thẳng thắn.

Chung quan điểm với ông Giang, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu - phản ánh “tâm tư” trong giới khoa học về việc xây dựng đề án này có phải để rộng đường phê duyệt dự án giao thông thủy xuyên Á đã bị Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét?

TS Đào Trọng Tứ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: T.K)
TS Đào Trọng Tứ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: T.K)

“Tại sao chưa quy hoạch nguồn nước sông Đồng Nai, sông Thu Bồn hay ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang rất căng thẳng mà lại làm sông Hồng? Khi Luật Quy hoạch ra đời thì quy hoạch ngành phải lấy nước làm nền tảng phát triển các ngành. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng nước là máu, sông là mạch máu, nên hai vấn đề này liên quan với nhau cực kỳ quan trọng”- ông Tứ đặt vấn đề.

Phúc đáp lại tâm tư của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đến nay chưa bao giờ có một quy hoạch tiếp cận một cách tổng thể, dài hạn đối với lưu vực sông rộng lớn như thế này. “Đây là quy hoạch đầu tiên, quy hoạch tổng thể quản lý sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình làm tiền đề cho các quy hoạch khác ở khu vực này”- ông Hà nói.

Bộ trưởng Hà cũng cho rằng quá trình làm quy hoạch này là một yêu cầu cấp bách, khẩn trương nhưng cũng yêu cầu sự khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng thì mới có một sản phẩm quy hoạch tốt nhất đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho.

Bên cạnh đó, quy hoạch sẽ thực hiện xuyên suốt toàn bộ sông Hồng và cố gắng lấy được khoảng 50% số liệu về đầu nguồn sông ở phía Trung Quốc. “Đây là tính toán quan trọng để từ đó đưa ra kịch bản, chủ động được nguồn nước. Nắm bắt được thông tin nguồn nước từ phía Trung quốc để từ đó có thể chủ động hơn trong quy hoạch nước sông Hồng. Với vấn đề lớn như vậy nên phải huy động được sự tham gia của các ngành, các lĩnh vực, các viện quy hoạch về năng lượng, giao thông”- ông Hà cho hay.

Như Dân trí đã phản ánh, sau khi dư luận phản ứng dữ dội, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á dọc sông Hồng vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng quy hoạch phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm