1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiến nghị Thủ tướng loại bỏ hẳn siêu dự án Sông Hồng

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Điều Phối viên cấp Quốc gia Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị loại bỏ hẳn siêu dự án sông Hồng (Đường thủy xuyên Á) vì thiếu khả thi, không cần thiết và tiềm ẩn hệ lụy xấu đối với hàng triệu cư dân.

Cụ thể, sau thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản nêu rõ chưa xem xét phê duyệt dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (gọi tắt là GTTXA) vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật, VRN khẳng định quan điểm nhất quán không ủng hộ dự án GTTXA và đề nghị Chính phủ loại bỏ hẳn dự án này.

VRN không ủng hộ dự án GTTXA và đề nghị Chính phủ loại bỏ hẳn dự án này vì tác động tiêu cực quá lớn đến sự phát triển bền vững của dòng sông và hàng triệu cư dân
VRN không ủng hộ dự án GTTXA và đề nghị Chính phủ loại bỏ hẳn dự án này vì tác động tiêu cực quá lớn đến sự phát triển bền vững của dòng sông và hàng triệu cư dân

Theo bà Vân, VRN đề nghị loại bỏ dự án này vì các lý do sau: Về hiệu quả điện năng từ dự án này mang lại thì quá nhỏ (228 MW, tương đương với 912 triệu KW/năm), đóng góp lượng điện chưa đến 1% tổng điện năng quốc gia trong khi dự án có nguy cơ ảnh hưởng lớn khi làm thủy điện bậc thang.

Bên cạnh đó, dự án này không nằm trong Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2020 và Qui hoạch điện VII nên việc triển khai dự án này sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế -xã hội vùng ĐBSH. Việc đầu tư làm thủy điện bậc thang loại nhỏ có hiệu quả kinh tế thấp trên sông Hồng không thực sự cần thiết.

Theo VRN, siêu dự án Sông Hồng chưa tính đến tác động về môi trường dân sinh, do đó sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. VRN khẳng định: việc làm các đập thủy điện và nạo vét dòng chảy trên sông Hồng phục vụ giao thông thủy sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy, gây ra sạt lở bờ sông, chặn lượng phù sa tại các hồ chứa và đặc biệt, gây ra các hệ lụy ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước phục vụ nông nghiệp trực tiếp cho 8 tỉnh thuộc ĐBSH. Cấp phép cho dự án này sẽ đồng nghĩa với việc thiếu nước tưới cho các tỉnh ĐBSH, ảnh hưởng tới nguồn sinh kế cũng như văn hóa của hàng triệu người dân.

Đặc biệt, theo lý giải của VRN, dự án này sẽ ảnh hưởng cực lớn đến đa dạng sinh học vùng sông Hồng bởi thượng nguồn sông Hồng là nơi có những bãi cá đẻ và duy trì nguồn gen cho thủy sinh. Nếu nạo vét làm âu thuyền cũng như đập thủy điện trên sông Hồng sẽ chặn đường di cư của cá và các loài thủy sinh khác vào mùa sinh sản. Ngoài ra, đáy sông Hồng hiện nay đã được cảnh báo tụt xuống 1m. Việc đáy sông tụt xuống càng sâu làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trên cạn, đa dạng sinh học vùng sông Hồng sẽ dần biến mất.

Về đối tượng hưởng lợi của dự án, VRN cho rằng người hưởng lợi chính của dự án không phải là các doanh nghiệp Việt Nam.

"Có thể thấy rằng việc phát triển dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương ở các địa phương trong nước tại vùng ĐBSH và quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, siêu dự án sông Hồng sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng hóa tới các nước trong tiểu vùng Mê Kông, các quốc gia châu Phi thông qua Biển Đông, vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương, đồng thời, chở nguyên liệu thô từ châu Phi về Trung Quốc qua con đường này thay vì phục vụ các các doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa (logistics).

Về hình thức đầu tư, VRN cho rằng không thể áp dụng tư duy quản lý xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) hoặc xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) của quản lý đường bộ vào đường sông.

"Hệ lụy và rủi ro trong việc giao quyền sở hữu dòng sông cho một công ty tư nhân quản lý là vô cùng lớn. Không thể áp dụng tư duy quản lý xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) hoặc xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) của quản lý đường bộ vào đường sông, vì đường bộ chỉ phục vụ chức năng giao thông, trong khi sông ngòi còn nhiều chức năng quan trọng khác như đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, thoát lũ, duy trì và cân bằng hệ sinh thái.

“Hiện các nước trên thế giới, chưa có tiền lệ giao quyền sở hữu dòng sông, vốn thuộc quyền sở hữu chung của toàn dân cho một doanh nghiệp tư nhân thai thác và quản lý”, văn bản của VRN nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nếu tính tới bài toán rủi ro trong kinh doanh thì khi doanh nghiệp thua lỗ, theo Luật Doanh nghiệp, họ có quyền bán tài sản này hoặc nhượng quyền sở hữu, quyền khai thác. Như vậy, nên loại bỏ dự án này ngay từ đầu để tránh các hệ luỵ có thể xẩy ra. VRN kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cho ngân sách Nhà nước.

Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến "chưa xem xét" siêu dự án tỷ USD trên sông Hồng vì chưa đủ cơ sở và căn cứ để phê duyệt, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng vụ Giám sát và Thẩm định (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – đơn vị đề xuất dự án cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn đề xuất này.

Ông Tự cho rằng, dự án muốn được thực hiện phải trải qua 2 bước nữa là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề xuất, lập nghiên cứu khả thi và cuối cùng là tổ chức đấu thầu. Ông này cho hay sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, giới chuyên gia phản biện cho dự án sau khi có nhiều ý kiến phản bác và đưa ra nhiều bằng chứng thiếu thực tế của dự án này trên sông Hồng.

Nguyễn Tuyền

Kiến nghị Thủ tướng loại bỏ hẳn siêu dự án Sông Hồng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm