Quy định những thời điểm không được cưỡng chế thi hành án dân sự
(Dân trí) - Lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ, tết…
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian 2 tháng.
Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm an toàn về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế.
"Không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ, tết và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ"- dự thảo nhấn mạnh.
Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phải có mặt tại địa điểm theo kế hoạch từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế. Nhanh chóng triển khai lực lượng theo kế hoạch, phương án để duy trì an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình cưỡng chế. Yêu cầu những người không liên quan ra khỏi khu vực cưỡng chế.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ phải chú ý quan sát biểu hiện, diễn biến tâm lý, thái độ chấp hành của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và những người liên quan, để ngăn chặn kịp thời các hành vi: Tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, gây mất an ninh, trật tự, tránh việc lợi dụng ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để tuyên truyền, xuyên tạc…
Khi có tình huống xấu, người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và thân nhân của họ có biểu hiện chống đối quyết liệt thì cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phải khẩn trương triển khai theo phương án đã được phê duyệt; tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho những người tham gia cưỡng chế, tài sản cưỡng chế.
Trường hợp gặp sự cản trở, chống đối của số đối tượng quá khích, cố tình gây mất an ninh, trật tự, trong đó có người già, trẻ em, phụ nữ…. thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nhanh chóng triển khai theo phương án để kịp thời ngăn chặn, kiên trì giải thích, thuyết phục, không có lời nói, hành vi thô bạo đối với họ. Tránh gây căng thẳng không cần thiết, hạn chế thấp nhất việc đối đầu gây bất bình, lấy giáo dục thuyết phục là chính, khéo léo giải quyết các mâu thuẫn.
Đồng thời chú ý quan sát, phát hiện những người cầm đầu số đối tượng quá khích để cảm hóa làm giảm bớt sự bức xúc có thể bộc phát dẫn đến vi phạm pháp luật. "Sẵn sàng khống chế, bắt giữ khi có lệnh của người chỉ huy, không để ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tính mạng, sức khỏe của những người tham gia cưỡng chế. Sau đó tiến hành làm thủ tục bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật"- dự thảo nêu rõ.
Ngoài ra, khi có căn cứ cho rằng vụ việc cưỡng chế có khả năng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà lực lượng tiến hành cưỡng chế chưa có biện pháp khắc phục, giải quyết thì người chỉ huy thuộc lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đề nghị người chủ trì thực hiện việc cưỡng chế xem xét, quyết định tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự…