1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nhờ "chạy" kỷ luật, 3 Cảnh sát giao thông Hà Nội bị đồng nghiệp lừa tiền tỷ

Phúc Lâm

(Dân trí) - Sợ bị kỷ luật vì bỏ vị trí công tác, ba cán bộ Cảnh sát giao thông Hà Nội đã nhờ đồng nghiệp "lo việc", song lại bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngày 20/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1983, cựu cán bộ Công an huyện Đan Phượng, Hà Nội) và Phạm Hoài Nam (SN 1978, cựu cán bộ Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhờ chạy kỷ luật, 3 Cảnh sát giao thông Hà Nội bị đồng nghiệp lừa tiền tỷ - 1

Hai bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng truy tố, ngày 7/5/2015, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an quận Đống Đa kiểm tra hành chính quán karaoke ở phố Đặng Văn Ngữ, đưa 6 người không giấy tờ tùy thân về cơ quan công an giải quyết. Trong số 6 người này có 3 cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội).

Công an quận Đống Đa cho kiểm tra ma túy đối với 6 người, kết quả xác định âm tính. Do không phát hiện vi phạm nên Công an quận Đống Đa đã liên hệ với Ban chỉ huy Đội CSGT số 2 đến để bàn giao 3 cán bộ nói trên.

Sợ bị xử lý kỷ luật vì đã bỏ vị trí công tác, một cán bộ CSGT vi phạm đã nhờ người quen tìm cách giúp và được giới thiệu gặp Nguyễn Thị Thanh Thủy (khi đó đang là điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an huyện Đan Phượng).

Thủy nhận lời, sau đó gặp Phạm Hoài Nam (thời điểm đó đang là Phó Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy - Công an quận Cầu Giấy), nhờ xin Ban giám đốc và lãnh đạo Công an Hà Nội không xử lý vi phạm của 3 cán bộ CSGT trên. Theo yêu cầu của Thủy, người nhà của 3 cán bộ Đội CSGT số 2 đã "gom" 690 triệu đồng để đưa cho Thủy.

Đầu tháng 6/2015, ba cán bộ này và người nhà đến gặp Thủy để hỏi về việc đã nhờ thì Thủy nói đã lo được cho 3 người không bị kỷ luật.

Đến giữa 6/2015, theo yêu cầu của Thủy, các nạn nhân tiếp tục đưa cho Thủy 30.000 USD (tương đương hơn 654 triệu đồng) để đi "cảm ơn" các lãnh đạo công an. Sau khi nhận tiền, Thủy gọi điện cho Phạm Hoài Nam hẹn gặp và đưa 30.000 USD.

Tổng số tiền mà Thủy đã nhận của người nhà 3 cán bộ nói trên là hơn 1,3 tỷ đồng.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội xác định, 3 cán bộ Đội CSGT số 2 đã bỏ vị trí công tác, vi phạm điều lệnh, kỷ luật ngành nên đã báo cáo lãnh đạo Công an TP Hà Nội xem xét xử lý vi phạm.

Ngày 8/10/2015, Công an Hà Nội ra quyết định điều động 3 cán bộ trên từ Phòng CSGT đến công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ - Công an Hà Nội.

Bị điều chuyển công tác, 3 người đã gửi đơn đến Công an Hà Nội tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thủy và Nam. Gia đình các nạn nhân đã giao nộp một thiết bị ghi âm, quay hình dạng bút, một USB có nội dung ghi âm liên quan đến việc Thủy nhận tiền.

Tại tòa ngày 20/7, Nguyễn Thị Thanh Thủy không thừa nhận cáo buộc chiếm đoạt tiền của các đồng nghiệp.

Quá trình thẩm vấn, tranh tụng công khai tại tòa, Hội đồng xét xử xác định đủ cơ sở kết luận Thủy đã có hành vi gian dối, đưa ra những cam kết, hứa hẹn để nhận 690 triệu đồng và 30.000 USD để lo giúp 3 cán bộ CSGT không bị xử lý kỷ luật và không bị chuyển công tác.

Trong đó, Thủy đưa cho Nam 30.000 USD và 30 triệu đồng. Số tiền 660 triệu đồng còn lại, Thủy chiếm đoạt và tiêu dùng vào mục đích cá nhân. Quá trình điều tra, Phạm Hoài Nam đã giao nộp cho cơ quan điều tra số tiền 30.000 USD.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy 13 năm tù và Phạm Hoài Nam 8 năm tù về cùng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".