1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy định chống tham nhũng kém hiệu lực hơn lệnh cấm đốt pháo!?

(Dân trí) - “So sánh với chỉ thị cấm đốt pháo nổ, bắt buộc đội mũ bảo hiểm… được thực hiện răm rắp, sao quyết định về việc công khai, trả lại quà biếu để chống tham nhũng lại… thành nhàm. Phải chăng tham nhũng đã là một thói quen, không đáng nói đến?”

Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Trần Đình Nhã chia sẻ nhiều suy nghĩ, trăn trở về mức độ nghiêm trọng khi tham nhũng trở thành… thói quen, phổ biến với cán bộ công chức.

Lập cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng là một hướng đề xuất nhận nhiều tranh luận trái chiều thời gian qua. Nhiều người vẫn “nghi ngờ” khả năng của một cơ quan đơn lẻ để đối đầu với quốc nạn trong khi hệ thống các cơ quan lo việc này hiện nay đã dày đặc, từ thanh tra, điều tra tới viện kiểm soát, tòa án… phối hợp chặt chẽ mà dường như vẫn chưa đủ mạnh. Là một trong những người thiết tha với mô hình một cơ quan độc lập, ông biện giải thế nào về việc này?

Tôi đề xuất một cơ quan PCTN độc lập vì đây là việc nên làm trong lúc này. Các cơ quan “phân vai” trong chống tham nhũng có đủ từ điều tra cho đến xét xử, nhưng hiệu quả không cao. Trước nạn tham nhũng tràn lan như thế, tôi thấy cần thành lập một cơ quan đặc biệt để tấn công vào những vụ tham nhũng lớn. Không phải ta tha cho tham nhũng nhỏ mà trước mắt cơ quan này tập trung vào những vụ lớn, có tính lan tỏa.
 
Quy định chống tham nhũng kém hiệu lực hơn lệnh cấm đốt pháo!?
Phó Chủ tịch Quốc phòng an ninh Trần Đình Nhã: "Không hi vọng Ban Nội chính có thể tạo ra sự thay đổi đột phá về PCTN".

Có thể hình dung như nào về cơ quan độc lập PCTN như đề xuất của ông. Cơ quan này có gì khác so với mô hình Ban Chỉ đạo PCTN TƯ hay như Ban Nội chính TƯ, để bao quát, giám sát, xử lý những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng?

Tôi đề xuất cơ quan PCTN này do Quốc hội lập ra để bảo đảm tính độc lập, không bị chi phối bởi các cơ quan hành pháp, tư pháp hay một cấp nào khác. Cơ quan này sẽ tập hợp lực lượng ưu tú, có khả năng đánh vào những vụ tham nhũng lớn. Ngoài điều tra phát hiện tham nhũng, cơ quan đó có tính chất như một cơ quan đứng đầu trong tất cả các cơ quan về PCTN.

Cơ quan PCTN phải có thực quyền, có thể yêu cầu các cơ quan PCTN hiện nay báo cáo, khởi tố vụ án, tự mình điều tra. Mô hình này thực ra không mới, nhiều nước đã có và tương đối thành công. Khi tôi đề xuất, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý nhưng có ý kiến cho rằng chưa chín. Có ý kiến đề xuất đưa cơ quan này vào Hiến pháp. Nhưng tôi cho rằng với quy định hiện hành, Quốc hội có thể lập một cơ quan độc lập về PCTN như vậy.

Việc tái lập Ban Nội chính TƯ vừa qua cũng được nhiều người trông đợi, kỳ vọng. Nhận định của cá nhân ông vào những nhân tố mới, dù chưa hẳn là hướng đột phá, khác biệt hoàn toàn như hình dung của ông?

Tôi nói thật là không hoàn toàn tin tưởng vào việc có Ban Nội chính thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiến triển theo một hướng phát triển mới. Tất nhiên có Ban này là cần thiết để đôn đốc chỉ đạo nhưng Ban Nội chính không phải chiếc đũa thần, không làm thay được việc của các cơ quan nhà nước khác. Do đó không nên hi vọng Ban Nội chính có thể tạo ra thay đổi gì đột biến.

Nói như vậy, cảm giác như hành trình chống quốc nạn có vẻ “bế tắc” quá. Nhiếu người vẫn đặt câu hỏi, công cụ, cơ chế, quy định pháp luật trong lĩnh vực này không thiếu. Vì sao bộ máy chống tham nhũng vẫn chưa vận hành hiệu quả được?

Đúng là hệ thống cơ quan PCTN nhiều, quy định của Luật đầy đủ, lực lượng không thiếu, hô hào cũng nhiều, tiền cấp đủ, nhưng kết quả không như mong muốn. Chính vì vậy, chúng ta phải xem lại cách làm. Tại sao chúng ta không xem lại mô hình PCTN của chúng ta xem có phát huy được không.

Chúng ta thấy rõ ràng không phải Chính phủ, Thủ tướng không làm gì. Tôi nhớ năm 2007 Thủ tướng đã ban hành quyết định về vấn đề quà biếu, nhận và trả lại quà biếu. Vấn đề là đến giờ, sau 6 năm quy định được thực hiện như thế nào. Số quà trả lại thời gian qua rất hãn hữu. Người ta coi việc nhận quà như một thói quen xấu, nhưng vì người trên nhận được thì người dưới cũng nhận được.

Trong khi thử so sánh với chỉ thị cấm đốt pháo nổ, bắt buộc đội mũ bảo hiểm… các ngành các cấp đều lao vào cuộc, quy định được thực hiện răm rắp. Vậy sao quyết định về một nội dung để chống tham nhũng lại bị đối xử một cách bất công như vậy.

Phải chăng tham nhũng đã là một vấn đề gì đó trở thành quen thuộc, không đáng nói đến. Và với một quyết định chẳng được mấy người tuân theo như thế, sao Thủ tướng cũng không có ý kiến gì.

Vì những biểu hiện như thế mà tham nhũng được đánh giá là phổ biến, nghiêm trọng, diễn biến phức tạp?

Tôi cũng không biết nên buồn hay vui bởi có ý kiến cho rằng ở Việt Nam hiện nay, nhân dân không còn bức xúc với tham nhũng vặt nữa. Có lẽ chúng ta phải nhìn nhận ý kiến này thật nghiêm túc. Bản thân tôi cũng phân vân không biết buồn hay vui về điều này.

Thỉnh thoảng một số vụ tham nhũng cũng bị phát hiện nhưng không lớn, không phải tham nhũng chững lại, mà là ta chưa có phương sách gì mới để chống tham nhũng, kể cả sau khi đã sửa Luật PCTN.

Trong kỳ họp này, thêm một giải pháp đo trách nhiệm thực hành công vụ, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan công quền được thực hiện lần đầy là việc lấy phiếu tín nhiệm. Ông có nghĩ đây là một biện pháp tốt để phòng ngừa và ngăn chặn cán bộ có tư tưởng, hành vi tiêu cực, tham nhũng?

Tôi nghĩ, lấy phiếu tín nhiệm ở đây là với người đứng đầu cơ quan đơn vị. Người đứng đầu này nếu bản chất không tham nhũng thì không vấn đề gì. Còn nếu muốn nói người ta tham nhũng thì phải chứng minh được, không chứng minh được người ta sẽ không sao cả. Và những người đó sẽ không bị đưa vào luật PCTN để đánh giá.

Còn nói về trách nhiệm của họ đối với việc phòng chống tham nhũng của địa phương, ngành mình thì cũng vẫn thấy họ hô hào, chỉ đạo đấy thôi, cũng chỉ thị này, yêu cầu kia. Họ cũng cấm cán bộ viên chức của mình không được uống rượu trong giờ làm việc, không được tiếp xúc đương sự, không được nhận quà cáp… Tôi thấy nhiều người họ nói trên truyền hình mạnh lắm. Vì vậy, đánh giá trách nhiệm của họ về việc này rất khó.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm