Quy định chặt chẽ về hoạt động nạo vét vùng cảng biển, đường thuỷ nội địa

(Dân trí) - Ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nạo vét cơ bản sẽ vẫn được thực hiện bình thường. Riêng đối với các dự án dạng nạo vét thường xuyên, các vật chất nạo vét có thể chứa chất thải gây ô nhiễm môi trường nên vẫn cần đánh giá tác động môi trường để quản lý chặt chẽ.

Cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Giao thông vận tải diễn ra chiều 1/10.
Cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Giao thông vận tải diễn ra chiều 1/10.

Chiều qua (1/10), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Hai Bộ cơ bản thống nhất với dự thảo nghị định nhưng vẫn còn một số ý kiến cần trao đổi để đi tới thống nhất liên quan đến quy định về công tác môi trường của hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, đặc biệt là nội dung đánh giá tác động môi trường đối với các dự án này.

Dự thảo đề xuất, đối với các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải thực hiện các quy trình thủ tục về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đối với công tác nạo vét duy tu thì chỉ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực, ứng phó rủi ro, sự cố của công trình và thực hiện chương trình quản lý, giám sát môi trường theo báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trước đó.

Trường hợp bổ sung vị trí đổ chất nạo vét thì phải thực hiện báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường với vị trí đổ chất nạo vét bổ sung. Trong đó, các trường hợp phải lập lại báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm: thay đổi vị trí đổ chất nạo vét; bổ sung những hạng mục đầu tư hoặc thay đổi diện tích, khối lượng nạo vét có quy mô tương đương với đối tượng phải thực hiện ĐTM theo quy định của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá ĐTM và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Để giải quyết vấn đề trên, đại diện Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường) cho rằng, Bộ Giao thông vận tải có thể lập ĐTM cho một giai đoạn khoảng 5 năm đối với các dự án nạo vét thường xuyên. Khối lượng nạo vét có thể được điều chỉnh cân đối hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế, kinh phí được cấp. Trong thời gian thực hiện dự án, chủ đầu tư cần báo cáo và cam kết không có chất gây ô nhiễm môi trường trong vật chất nạo vét.

Ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đánh giá tác động môi trường đối với các các dự án nạo vét cơ bản sẽ vẫn được thực hiện bình thường. Riêng đối với các dự án dạng nạo vét thường xuyên, các vật chất nạo vét có thể chứa chất thải gây ô nhiễm môi trường nên vẫn cần đánh giá tác động môi trường để quản lý chặt chẽ.

Vì vậy có thể xây dựng đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn 5 năm đối với các dự án nạo vét thường xuyên dạng này. Điều này vừa đảm bảo quy định pháp luật bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo về thời gian đối với các dự án nạo vét. Trong giai đoạn thực hiện, khối lượng hàng năm có thể thay đổi theo một biên độ phù hợp và có tính toán đến ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, các yếu tố khác khác. Hàng năm, đơn vị thực hiện dự án phải cam kết các vật chất nạo vét không chứa chất thải gây ô nhiễm môi trường và thực hiện đúng phương án xử lý đã cam kết.

Nhất trí với phương án trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công đã giao các đơn vị chuyên môn của Bộ này phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến của hai bên để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Chính phủ phê duyệt.

Kha Xuân Lộc