1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sự kiện có sức lay động nhất năm 2013

(Dân trí) - Năm 2013 khép lại với những sự kiện hết sức quan trọng như QH thông qua Hiến pháp sửa đổi, hoạt động ngoại giao hiệu quả... Năm 2013 cũng chứng kiến thời khắc tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng có sức lay động mãnh liệt tới hàng triệu con tim Việt.

Năm 2013 khắc ghi nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước và mỗi người dân Việt Nam, đồng thời cũng là năm cả nước đối diện với nhiều mất mát, khó khăn, thử thách và cả những phát lộ rõ nét của những tồn tại đã kéo dài từ các năm trước. Khép lại năm 2013, Dân trí xin điểm lại 10 sự kiện xã hội đáng chú ý nhất trong năm qua:

Quốc hội thông qua Hiến pháp Luật Đất đai sửa đổi

Sáng 28/11, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi với số phiếu thuận gần như tuyệt đối, chỉ 2 đại biểu không bỏ phiếu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội: “Trong một số bộ phận, một số người và ngay cả một số đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác về một số điều, khoản trong Hiến pháp. Những ý kiến khác đó đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.

Kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp mới (Ảnh: Việt Hưng)
Kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp mới (Ảnh: Việt Hưng)

Hiến pháp sửa đổi cũng mở đường cho luật Đất đai sửa đổi được thông qua thuận lợi. Phương án sau cùng được “chốt” lại, các dự án làm khu đô thị mới được HĐND cấp tỉnh hoặc Thủ tướng chấp thuận đầu tư được thu hồi đất.

Cũng năm trong khuôn khổ hoạt động của Quốc hội, tại kỳ họp tháng 6/2013, Quốc hội đã chính thức lấy phiếu tính nhiệm với 47 lãnh đạo cao cấp. Kết quả được công bố ngày 11/6, không lãnh đạo cấp cao nào bị rơi vào mức “báo động” trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên ở Quốc hội.

Một năm sôi động của ngoại giao Việt Nam

Năm 2013 được cho là một năm sôi động và thành công của ngoại giao Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn tích cực trên các diễn đàn đa phương, mà nổi bật là thông điệp “xây dựng lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Cũng trong năm 2013 các lãnh đạo cấp cao Việt Nam thực hiện nhiều chuyến thăm các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Bỉ, Italia, Indonesia… Trong khi Việt Nam cũng tiếp đón một loạt lãnh đạo cấp cao các nước như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ...
 
Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sự kiện có sức lay động nhất năm 2013
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 25/7/2013. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Vị thế, vai trò của Việt Nam cũng được tăng cường, với việc được bầu vào Hội đồng nhân quyền, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm 2013 Việt Nam đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước lớn như Pháp, Italia, Indonesia, Thái Lan và Singapore, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 14 quốc gia. Và với việc xác lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 5 quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc và nhiều đối tác lớn khác.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào hồi 18 giờ 9 phút, ngày 4/10, Bộ Chính trị thống nhất tổ chức tang lễ với nghi thức cao nhất của nhà nước.

Những giây phút hàng vạn người Hà Nội tiễn biệt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Hữu Nghị)
Những giây phút hàng vạn người Hà Nội tiễn biệt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Hữu Nghị)

Trong những ngày Quốc tang Đại tướng, hàng triệu lượt người xếp hàng dài vào viếng Đại tướng tại nhà riêng và tại Nhà tang lễ Quốc gia. Dòng người tiễn biệt Đại tướng trên lộ trình Người đi qua những con phố của Hà Nội lần cuối và đưa Người về nơi an nghỉ ngàn thu tại Vũng Chùa - Đảo Yến ở quê hương Quảng Bình như dài bất tận. Nước mắt của các cựu chiến binh, cụ già, em nhỏ và nước mắt của cả dân tộc đã rơi.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ trong xúc động: “Đại tướng là biểu tượng cho sức mạnh, linh hồn của cả dân tộc. Khi ông mất đi, lòng tự tôn dân tộc đã đưa mọi người xích lại, gắn kết trong niềm tự hào chung...”.

Miền Trung chìm trong biển nước

Giữa tháng 11 vừa qua, nhiều tỉnh miền Trung chìm trong biển nước. Trận lũ lịch sử này đã khiến 40 người chết và mất tích, hàng vạn người mất nhà, mất của - thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, nhiều cán bộ ở các tỉnh miền Trung cho rằng, thủy điện “đua” nhau xả lũ làm nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp ứng phó. Tuy nhiên, đại diện các công trình thủy điện vẫn khẳng định đã xả lũ đúng quy trình.

Trận lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua làm nhiều tỉnh miền Trung chìm trong biển nước
Trận lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua làm nhiều tỉnh miền Trung chìm trong biển nước

Sau thời điểm lũt lụt lịch sử diễn ra ở miền Trung ít ngày, tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội đã thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện 242 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Xử hàng loạt đại án tham nhũng

Sau quá trình điều tra, trong năm 2013, hàng loạt đại án tham nhũng được đưa ra xét xử như vụ tham nhũng tại Công ty cho thuê Tài chính 2 (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank), vụ án tham nhũng tại Công ty cổ phần Vifon...

Trận lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua làm nhiều tỉnh miền Trung chìm trong biển nước
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Vinalines luôn giữ vẻ mặt bình thản trong phiên tòa tuyên án (Ảnh: Ph. Thảo)

Sáng ngày 12/12, TAND Hà Nội cũng mở phiên xét sơ thẩm Dương Chí Dũng và các đồng phạm phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quản nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” tại Vinalies. TAND Hà Nội đã tuyên tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc...

Liên tiếp những vụ cháy nổ nghiêm trọng

Đầu năm 2013 cả nước bàng hoàng vì vụ nổ sập nhà tại công ty tạo cảnh khói lửa phim trường ở TPHCM làm gia chủ và 9 người thân trong gia đình tử nạn. 3 tháng sau, vụ cháy khủng khiếp tại một cây xăng giữa Hà Nội lại làm mọi người giật mình về quy chế đảm bảo an toàn cho những cây xăng nằm trong khu dân cư của các thành phố lớn.

“
Quả bom xăng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cháy dữ dội vào ngày 3/6/2013 (Ảnh: Quang Phong)

Tháng 9, trung tâm thương mại Hải Dương phát hỏa, thiêu 500 tỷ đồng ra tro trong nỗi bức xúc về công tác PCCC. Tháng 10, nhà máy sản xuất pháo hoa của Bộ Quốc phòng phát nổ, hơn 20 lao động tử nạn. Đầu tháng 12, vụ cháy không lớn ở khu ăn chơi Zone 9 của giới trẻ Hà Nội lấy đi sinh mạng 6 người…

Bà hỏa hoành hành năm 2013 gây quá nhiều mất mát, xót xa trong khi việc đầu tư phương tiện hiện đại trang bị cho lực lượng PCCC như xe thang, trực thăng… vẫn là bài toán khó đối với Việt Nam.

30% công chức “cắp ô”

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào chiều 25/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào... Vấn đề Phó Thủ tướng xới lên đã nhận đươc sự chia sẻ, đồng cảm và trao đổi của dư luận trong suốt nhiều ngày tháng trên nhiều trang báo.

Cụ thể có bao nhiêu phần trăm công chức
Cụ thể có bao nhiêu phần trăm công chức “cắp ô” vẫn chưa có hồi kết! (Minh họa: Ngọc Diệp)

Vậy nhưng, hồi đáp về vấn đề này tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại đưa ra con số chỉ khoảng 1% công chức cả nước không hoàn thành nhiệm vụ. Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, Bộ trưởng Bình cho rằng, con số “30% công chức không có cũng được” là xuất phát từ nghi vấn của dư luận!

Sếp các doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng”

Giữa tháng 8, TP. Hồ Chí Minh đưa ra “ánh sáng” việc hàng loạt sếp lớn ở 4 công ty công ích nhận lương “khủng” năm 2012. Điển hình, lương của Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị là 2,6 tỷ đồng; lương Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chiến sáng công cộng là 2,2 tỷ đồng… Trong khi đó nhiều lao động trực tiếp làm những công việc nguy hiểm, độc hại lại phải “bóp mồm, bóp miệng” trong cuộc sống hàng ngày.

Công nhân ngâm mình dưới cống
Công nhân ngâm mình dưới cống “nuôi” sếp lương bạc tỉ (Ảnh: Trung Kiên)

Sau khi vụ việc được phanh phui, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã cách chức 8 cán bộ nắm giữ các chức vụ chủ chốt của 4 doanh nghiệp công ích.

Án oan 10 năm tù của ông Nguyễn Thanh Chấn

Đầu tháng 11 vừa qua, cả nước rúng động trước vụ án oan khiến ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) phải ngồi tù 10 năm, sau khi lĩnh án chung thân tội giết người. Lý do ông Chấn được ra tù là đối tượng trực tiếp gây ra vụ án - Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988 tại Nhượng Ban, Lộc Bình, Lạng Sơn) đã ra đầu thú sau khi được vận động.

Ngày trùng phùng đẫm nước mắt của ông Chấn và người thân
Ngày trùng phùng đẫm nước mắt của ông Chấn và người thân

Ông Chấn cho biết, lý do ông bị án oan là do các điều tra viên ép cung trong quá trình điều tra vụ án. Tuy nhiên, hầu hết các điều tra viên có liên quan trực tiếp vụ án ông Chấn lại chối rằng, họ không bức cung!

Làm rõ chân tướng các nhà ngoại cảm rởm

Nhà ngoại cảm dỏm xưng danh “cậu Thủy” cùng vợ đã bị khởi tố
Nhà ngoại cảm "dỏm" xưng danh “cậu Thủy” cùng vợ đã bị khởi tố

Nhiều mẫu xương, răng được nhà ngoại cảm phán là của liệt sỹ thực chất chỉ là xương động vật… Thậm chí, nhiều màn lừa đảo, tạo hiện trường giả trước khi tổ chức quy tập mộ liệt sỹ đã được phanh phui… Một nhà ngoại cảm "dỏm" xưng danh “cậu Thủy” cùng vợ đã bị khởi tố, bắt giam vì trò lừa đảo táng tận lương tâm sau khi đã nhận 75 triệu đồng cho mỗi bộ hài cốt được làm giả... Những sự thật đau lòng được phơi bày xúc phạm đến cõi tâm thức thiêng liêng nhất của dân tộc.

Nhóm phóng viên Xã hội