1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Quốc lộ thi công ì ạch, lãnh đạo Bình Định ra tối hậu thư

Doãn Công

(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân nếu chậm bàn giao giải phóng mặt bằng dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua địa bàn huyện Tây Sơn.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu UBND huyện Tây Sơn tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các đơn vị liên quan hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Đồng thời bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án chậm nhất đến ngày 15/4, theo đúng nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Quốc lộ thi công ì ạch, lãnh đạo Bình Định ra tối hậu thư - 1

2 năm qua, nhiều hộ dân thôn Tả Giang 2 (xã Tây Giang) chưa nhận được đền bù giải phóng mặt bằng (Ảnh: Bình Định).

Trường hợp công tác giải phóng mặt bằng của dự án tiếp tục chậm trễ, không đáp ứng yêu cầu thời gian nêu trên, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn báo cáo đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan lên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định xem xét chỉ đạo thực hiện trước ngày 20/4.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, 2 năm qua hàng trăm hộ dân ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn sống trong khổ sở vì ảnh hưởng bởi dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn quốc lộ 19 nối 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Đặc biệt, không ít nhà dân bỗng biến thành "hầm" vì mặt đường nâng cao đến ngang nóc nhà. Các hộ thuộc diện giải tỏa trắng mong sớm nhận đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, nhiều hộ không thuộc diện phải di dời kiến nghị làm đường gom, hỗ trợ kinh phí nâng nền thỏa đáng.

Tuy nhiên đến nay nhà đầu tư, chính quyền chưa thống nhất phương án, thủ tục áp giá đền bù khiến người dân bức xúc.

Quốc lộ thi công ì ạch, lãnh đạo Bình Định ra tối hậu thư - 2

Quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn được thi công ì ạch, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phương tiện tham gia giao thông suốt thời gian dài (Ảnh: Doãn Công).

Ông Lê Hồng Phúc (54 tuổi, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) bức xúc: "Đằng nào chúng tôi cũng phải di dời, nhưng phải đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư. Tuy nhiên, đến nay chính quyền chỉ hứa và đưa ra giá đền bù rất thấp".

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, trong số 7 hộ dân bị giải tỏa trắng, có 5 hộ đồng ý di dời, còn 2 hộ không đồng ý. Ngoài ra, còn khoảng 10 hộ có đơn khiếu nại yêu cầu làm đường gom và hỗ trợ nâng nền.

"Theo chính sách đền bù của UBND tỉnh, tất cả các hộ dân lấn chiếm vi phạm hành lang cầu đều không được đền bù. Tuy nhiên, phía WB đồng ý vận dụng chính sách cho phép đền bù vật kiến trúc và hỗ trợ 40% đất ở.

Huyện đã vận đã vận dụng những điều kiện tốt nhất nhưng một số hộ dân chưa hiểu hết nên không chấp nhận đền bù. Sắp tới huyện sẽ đối thoại với từng hộ dân, đồng thời tiếp tục kiến nghị WB để có chính sách hỗ trợ thêm các hộ dân", ông Khánh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm